Ô nhiễm dai dẳng
Giữa tháng 10-2022, quay trở lại kênh Hy Vọng (phường 15, quận Tân Bình), mặc dù đã đeo hai khẩu trang kín mít nhưng chúng tôi vẫn bị mùi hôi nồng nặc xộc thẳng vào mũi. Nghiêm trọng hơn, lượng rác thải ở đây đã phủ kín mặt kênh, với đủ loại rác từ thùng xốp, vỏ hộp cơm, bao ni lông…, gây khó khăn cho việc thoát nước. Theo kế hoạch, năm 2016, TPHCM đã phê duyệt dự án cải tạo kênh Hy Vọng với những hạng mục quan trọng như mở đường nhựa rộng 6m dọc hai bờ kênh, bố trí 55 hố thu để kết nối thoát nước mưa lưu vực… Vậy nhưng, đã 6 năm trôi qua, kênh Hy Vọng vẫn chỉ là một con kênh đầy rác, bốc mùi hôi thối. Người dân sống quanh khu vực này đã hy vọng môi trường sẽ được cải tạo, chỉnh trang như chính cái tên của con kênh, nhưng rồi lại thất vọng bởi chờ đợi mãi mà không thấy dự án triển khai.
Thực trạng trên cũng đang diễn ra tại rạch Xuyên Tâm (chạy ngang quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp). Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được TPHCM lên kế hoạch từ năm 2002, tuy nhiên đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Ghi nhận thực tế cho thấy, con rạch đang bị ô nhiễm nặng, nước có màu đen kịt, mỗi khi nước xuống lại lộ ra rất nhiều chất thải ngổn ngang; khi nước lên, rác thải lại ngập sát nền nhà dân… Cứ như vậy, hàng ngàn hộ dân sống trong những căn nhà xập xệ, nhếch nhác ven rạch Xuyên Tâm đang phải sống chung với ô nhiễm, khắc khoải chờ ngày được đổi thay.
Ngoài 2 dự án nói trên, nhiều dự án cải tạo môi trường khác do Sở TN-MT TPHCM làm chủ đầu tư đang bị chậm tiến độ. Đó là giai đoạn 2 của dự án trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi). Năm 2016, dự án được UBND TPHCM phê duyệt chủ trương với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng, quy mô 197ha, thời gian thực hiện từ năm 2017-2019. Song, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Nguyên nhân là do việc bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư chưa hoàn thành, dẫn đến chưa thể triển khai công tác trồng cây xanh cách ly. Trong khi đó, dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để trồng cây xanh cách ly thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải và Nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh) cũng đang bị chậm so với kế hoạch. Dự án có quy mô 268,79ha, tổng mức đầu tư 1.069 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2016-2020. Dự án đã thực hiện đo đạc, kiểm kê 726/772 hộ dân, bồi thường được 674/772 hộ; nhưng hiện vẫn còn 46 hộ chưa xác nhận được nguồn gốc quá trình sử dụng đất để tính toán bồi thường, do chủ sử dụng đất chưa cung cấp pháp lý hoặc không hợp tác. Đến nay, thời gian thực hiện dự án đã hết. Theo Sở TN-MT, tiến độ của dự án bị chậm so với kế hoạch là do chính sách bồi thường thay đổi làm phát sinh chi phí, vượt mức tổng đầu tư. Vì vậy, dự án cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, bao gồm điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian đầu tư.
Hàng loạt dự án cải tạo môi trường khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự: Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để trồng cây xanh cách ly, giai đoạn 3 (rộng 67ha) tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc; Dự án xây dựng nâng cấp đường dẫn vào khu xử lý bùn thải và khu xử lý chất thải nguy hại (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh); Dự án lập điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu liên hợp xử lý chất thải và Nghĩa trang Đa Phước; Dự án đầu tư Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường…
Kiến nghị tháo gỡ
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, nguyên nhân chính dẫn đến một số dự án chậm tiến độ so với kế hoạch đặt ra có thể kể đến như: khó khăn về nguồn vốn; vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, giá bồi thường chưa đạt được thỏa thuận với người dân; quá trình triển khai phát sinh nhiều chi phí nên các chủ đầu tư không triển khai thực hiện.
Để gỡ vướng những khó khăn trong quá trình triển khai các dự án cải tạo môi trường, ông Nguyễn Toàn Thắng kiến nghị UBND TPHCM cần có chính sách, giải pháp cụ thể, đồng bộ. Theo đó, cần thiết có chủ trương và giải pháp đẩy nhanh việc xác định hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Thành phố cũng tiếp tục nghiên cứu những ưu điểm của chính sách và phương pháp khi xác định giá đất theo Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013 để đề xuất các giải pháp tháo gỡ cho công tác xác định giá đất phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong thời gian tới.
Về cơ chế phối hợp, Sở TN-MT đã trình UBND TPHCM cơ chế ủy quyền cho UBND quận, huyện phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất đối với các dự án nhóm C, có diện tích đất thu hồi dưới 1ha và số hộ bị ảnh hưởng dưới 10 hộ (đối với dự án có vị trí khu vực lân cận hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự dự án đã được UBND TPHCM phê duyệt). Việc này sẽ nâng cao năng lực của các cơ quan chuyên môn, trách nhiệm của các quận, huyện và giảm đáng kể về thời gian cũng như tăng cường sự chủ động của các quận, huyện khi triển khai dự án. Muốn tháo gỡ các vướng mắc, cản trở trong quá trình thực hiện các dự án cải tạo môi trường nói riêng và các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung, cần có sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành.
Cấp thiết trồng cây xanh cách ly bãi rác Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, hiện công suất tiếp nhận, xử lý rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc trên địa bàn huyện khoảng 3.200 tấn/ngày, với công nghệ xử lý là đốt và ủ phân compost. Qua khảo sát, huyện ghi nhận mùi hôi từ khu xử lý rác này phát sinh ra ngoài khu vực người dân sinh sống, khu vực ô nhiễm có bán kính đến 10km. Việc định hướng thực hiện dự án trồng cây xanh cách ly (giai đoạn 2, quy mô 197ha) thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc để giảm ô nhiễm môi trường từ việc phát sinh mùi hôi của các nhà máy trong khu vực là phù hợp với thực tế và yêu cầu cấp thiết của người dân. Tuy nhiên, cho đến nay, tiến độ dự án thực hiện quá chậm, làm ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi, cuộc sống của người dân ở đây. Do vậy, UBND huyện Củ Chi tiếp tục kiến nghị HĐND TPHCM, UBND TPHCM, các sở, ngành… sớm triển khai dự án, bồi thường giải phóng mặt bằng để người dân di dời đi nơi khác, an cư ổn định cuộc sống. |