Ì ạch đầu tư nhà máy đốt rác phát điện

Hiện nay mỗi ngày TPHCM phát sinh bình quân hơn 10.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Thành phố đã đưa ra chỉ tiêu hết năm 2025, việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đạt ít nhất 80%, nhưng việc triển khai ì ạch nên tiến độ này khó đạt được.

Ì ạch đầu tư nhà máy đốt rác phát điện

Qua tìm hiểu, các dự án đốt rác phát điện đang có ít nhiều vướng mắc về pháp lý. Thành phố có tổng cộng 5 dự án nhà máy đốt rác phát điện.

Screenshot 2025-03-31 062141.png

Đến nay, 2 nhà máy đã khởi công xây dựng là: Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa, có quy mô xử lý 2.000 tấn rác/ngày, tiến độ cam kết thực hiện dự án trong vòng 18 tháng, vận hành vào quý 1-2026; Dự án Nhà máy đốt rác phát điện VietStar vừa khởi công xây dựng đầu tháng, có công suất xử lý 2.000 tấn/ngày, tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành sau một năm xây dựng.

3 dự án còn lại, đại diện Sở TN-MT TPHCM cho biết, đang hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thành thủ tục đầu tư dự án.

Về dự án do CITENCO làm chủ đầu tư, vừa qua đơn vị đã có buổi làm việc với Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 3.795 tỷ đồng xuống 2.323 tỷ đồng.

HFIC chấp thuận việc hợp tác góp vốn với công ty để đảm bảo đáp ứng quy định của Luật Đầu tư, cụ thể là “nhà đầu tư có tỷ lệ vốn góp của chủ sở hữu để đầu tư dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư dự án” và cho công ty vay 80% vốn đầu tư còn lại.

Đối với dự án của Công ty Tasco, qua trao đổi với Sở Tài chính và chủ đầu tư tại cuộc họp mới đây, Sở TN-MT sẽ có ý kiến bổ sung nội dung về đánh giá sơ bộ tác động môi trường trong hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư sau khi nộp bổ sung.

Còn dự án chuyển đổi công nghệ của VWS, ngày 23-2, Sở Tài chính đã có công văn yêu cầu bổ sung trước một số tài liệu bao gồm: Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thuyết minh và bản vẽ thiết kế sơ bộ, bản vẽ tổng mặt bằng xây dựng dự án và báo cáo tài chính năm 2022, 2023.

Theo chủ đầu tư dự án đã khởi công, vẫn còn vướng mắc cần phải tháo gỡ. Đối với dự án của CITENCO, đại diện đơn vị này cho biết, đã nộp hồ sơ từ năm 2018, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quyết định chủ trương đầu tư dự án, như vậy là quá lâu.

Còn đối với Tâm Sinh Nghĩa, theo ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc dự án nhà máy, hiện nay chỉ mới được cấp giấy phép xây dựng phần móng theo quy hoạch 1/2000 cũ. Công ty đang xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch 1/2000 và 1/500 theo quy hoạch mới để nhà máy được cấp phép xây dựng giai đoạn tiếp theo.

“Chúng tôi biết Sở TN-MT đang hỗ trợ xử lý khó khăn, vướng mắc nhưng cũng mong được xử lý sớm để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành sớm theo chỉ đạo của thành phố”, ông Nguyễn Anh Khoa kiến nghị.

Tại lễ khởi công Nhà máy đốt rác phát điện VietStar, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, theo báo cáo của Sở TN-MT, dự báo năm 2030 số rác thải của thành phố lên khoảng 16.000 tấn; năm 2050 khoảng 20.000 tấn…

Vì thế, yêu cầu đặt ra phải xử lý chất thải rắn trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới là cấp thiết, đòi hỏi phải sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến để thành phố phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Tin cùng chuyên mục