CCN Tam An (huyện Long Thành) được quy hoạch với diện tích gần 60ha, vốn đầu tư hơn 126,2 tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm 2008-2009, do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Trường Lâm làm chủ đầu tư. Sau nhiều lần gia hạn, điều chỉnh quy hoạch, diện tích CCN còn 51ha, số vốn đầu tư hơn 185,2 tỷ đồng. Hiện CCN này đã được rào lại bằng tôn, chỉ có một lối ra vào, bên trong có vài máy xúc đất với khoảng 10 người làm việc, trông coi công trình. Người dân sống gần CCN Tam An cho biết, suốt 15 năm dự án không được triển khai, đất đai bỏ trống và từ tháng 8-2022 đến nay, chủ đầu tư mới đưa máy móc vào công trình nhưng cũng chỉ thi công cầm chừng.
Huyện Vĩnh Cửu có 7 CCN nhưng đa số chưa hoàn thiện hạ tầng, trong đó, CCN Vĩnh Tân diện tích gần 50ha do Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ An Thiên Lý làm chủ đầu tư. Hiện chủ đầu tư đã lập thủ tục đề nghị cấp quyết định đầu tư nhưng có 1,1ha đất công nằm xen cài trong CCN nên nhiều năm nay, UBND tỉnh vẫn loay hoay tìm phương án xử lý. Còn CCN Thạnh Phú - Thiện Tân gần 97ha do Ban quản lý dự án huyện làm chủ đầu tư, kinh phí thực hiện bồi thường lớn, doanh nghiệp khó khăn về vốn do không có đơn hàng nên UBND huyện đang kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ toàn bộ kinh phí để triển khai.
Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, vốn đầu tư hạ tầng do Bộ Xây dựng ban hành tại Quyết định số 610/QĐ-BXD ngày 13-7-2022 là 9,535 tỷ đồng/ha, tương ứng với 476,750 tỷ đồng/CCN diện tích 50ha, chưa bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nếu CCN có diện tích tối đa 75ha phải xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của khu công nghiệp nhưng do vốn đầu tư lớn nên khó thu hút các doanh nghiệp đăng ký đầu tư xây dựng hạ tầng.
Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng CCN còn chậm, chưa đáp ứng được mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, do khó khăn khi thực hiện thủ tục về đầu tư, đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng và có vị trí quy hoạch ở vùng núi (như huyện Định Quán), hệ thống giao thông không phù hợp phát triển CCN. Hiện tỉnh Đồng Nai đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, trong đó ưu tiên hoàn chỉnh phương án phát triển khu công nghiệp, CCN làm cơ sở tích hợp Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo tận dụng lợi thế của các dự án trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến đường Vành đai 3 TPHCM và cụm cảng biển Phước An - Nhơn Trạch để mời gọi các nhà đầu tư tiềm lực đầu tư xây dựng nhà xưởng.