Ngày 8-7-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1340 phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, ở nhiều nơi, công tác chuẩn bị vẫn giậm chân tại chỗ. Vì sao?
Nhìn đâu cũng thấy vướng
Theo TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT), hiện nay trẻ em trong độ tuổi mầm non và tiểu học chiếm khoảng 1/5 dân số. Tuy nhiên, vấn đề dinh dưỡng ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong độ tuổi từ 2 - 12 còn cao, đặc biệt ở vùng nông thôn. Để khắc phục tình trạng này, Chương trình Sữa học đường đã được triển khai rộng rãi trong cả nước thông qua hoạt động cho trẻ độ tuổi mầm non và tiểu học uống sữa mỗi ngày, nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực trẻ em Việt Nam.
Đến nay, sau hơn 13 tháng thực hiện, chương trình đã được triển khai ở một số tỉnh, thành phố như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai… nhưng với quy mô vừa và nhỏ. Báo cáo bước đầu của các địa phương cho thấy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi giảm rõ rệt, công tác tuyên truyền cho phụ huynh ý thức được tầm quan trọng của việc cho con uống sữa mỗi ngày được thực hiện bài bản, thường xuyên. Tuy nhiên, cũng theo đại diện Bộ GD-ĐT, hiện nay ngành giáo dục chưa có nguồn kinh phí riêng cho công tác dinh dưỡng học đường, nên hoạt động chủ yếu bằng kinh phí đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp. Nhân lực thực hiện công tác y tế trường học nói chung, dinh dưỡng học đường nói riêng, chưa được tập huấn đầy đủ, thường xuyên, nên chưa thể đáp ứng yêu cầu đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Đặc biệt, cơ sở vật chất trường học nhiều nơi còn thiếu thốn, nhất là ở các trường mầm non chưa bố trí được kho, kệ để sữa đạt chuẩn, phải sử dụng phòng chức năng để lưu trữ sữa, khiến công tác bảo quản bị ảnh hưởng. Ngoài ra, theo đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, các quyết định triển khai của Chính phủ mới đề cập kinh phí mua sữa, trong khi để thực hiện Chương trình Sữa học đường còn tốn rất nhiều chi phí khác như vận chuyển, tập huấn về dinh dưỡng cho giáo viên, chi phí vệ sinh, xử lý rác thải…
Tại tỉnh Tiền Giang, hiện nay mới chỉ có 50% trường học có nhân viên y tế, các đơn vị còn lại đều do giáo viên kiêm nhiệm hoặc hợp đồng với trạm y tế phường, xã chăm sóc sức khỏe học sinh. Do đó, “theo kế hoạch, đầu năm 2018 chúng tôi sẽ bắt đầu triển khai Chương trình Sữa học đường, nhưng đến nay vấn đề nhân sự vẫn làm đau đầu các nhà quản lý, do vướng quy định tạm ngưng tuyển dụng nhân viên y tế và kế toán của Bộ GD-ĐT”, một phó giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang bày tỏ. Riêng tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Gia Thụy, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT), cho biết sở đã xây dựng xong kế hoạch thực hiện, hiện đang chờ UBND TP phê duyệt để chính thức triển khai ngay trong năm học 2017-2018. Theo đó, chương trình sẽ triển khai đại trà tại 24 quận, huyện đối với 2 bậc mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, cũng theo ông Thụy, cái khó lớn nhất là đề án chỉ xây dựng trong 9 tháng của năm học, còn trong 3 tháng nghỉ hè học sinh có được uống sữa hay không thì phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và nhận thức của phụ huynh. Hiện nay, Sở GD-ĐT đang họp bàn với Sở LĐTB-XH tìm phương án để học sinh thuộc diện nghèo và cận nghèo vẫn có sữa uống trong 3 tháng hè.
Cần sự chủ động hơn của các địa phương
Giải thích về lý do sau hơn 1 năm phát động, Chương trình Sữa học đường vẫn dậm chân tại chỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết, do UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì thực hiện nên Sở GD-ĐT chỉ biết ngồi chờ. “Đến cuối năm học 2016-2017 các cháu vẫn chưa có sữa uống, là do Sở Y tế thiếu mặn mà trong triển khai thực hiện vì nghĩ đối tượng thụ hưởng là học sinh trong trường học chứ không phải bệnh nhân”, vị này cho biết. Tương tự, tại tỉnh Cần Thơ, sau khi có quyết định triển khai của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao cho Sở Y tế chủ trì. Nhưng sau đó, trong văn bản hướng dẫn thực hiện, UBND tỉnh lại giao Sở GD-ĐT triển khai các công tác thực hiện. Khi đó, Sở GD-ĐT đã có văn bản hỏi lại UBND tỉnh thì nhận được công văn trả lời vẫn giao Sở Y tế chủ trì. “Suốt 1 năm qua chúng tôi chưa thực hiện vì vướng khoản chờ, 2 sở cứ lúng túng nhìn nhau nên mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ”, đại diện Sở GD-ĐT Cần Thơ cho biết. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành phố khác, bài toán giao cho ngành giáo dục hay y tế chủ trì khiến các địa phương lúng túng trong thực hiện, cơ sở pháp lý đã có nhưng sữa thì chưa thể về đến trường để cung cấp cho học sinh.
Trước thực tế này, Nhà giáo Nhân dân, PGS-TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT), đề nghị các địa phương phải chủ động hơn trong công tác triển khai thực hiện. Mỗi tỉnh, thành phố nên thành lập Ban chỉ đạo Chương trình Sữa học đường dưới sự chủ trì của Sở Y tế, Sở GD-ĐT phối hợp thực hiện. Đồng quan điểm, TS Ngũ Duy Anh nêu ý kiến: “Để chương trình triển khai hiệu quả, 2 ngành giáo dục và y tế phải có sự gắn kết tốt. Ở đâu còn lúng túng thì 2 ngành phải chủ động bàn bạc, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, thành phố tìm phương án tháo gỡ để sớm có sữa uống cho học sinh”.
Quyết định 1340 nêu rõ yêu cầu, đến năm 2020, 100% học sinh mẫu giáo và tiểu học ở các huyện nghèo, 70% học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa. Ngoài ra, Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi tăng từ 1,5cm - 2 cm ở cả bé trai và bé gái so với năm 2010.