Khó khăn về nguồn vốn và công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn vướng mắc là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này. Hiện nhiều người dân sống trong khu vực sạt lở thấp thỏm lo sợ vì nhà và tài sản có thể đổ ập xuống sông bất cứ lúc nào…
Vướng giải tỏa
Theo Sở GTVT, qua rà soát, đánh giá và phân loại các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn TPHCM, phát hiện 40 vị trí có nguy cơ sạt lở, gồm: 23 vị trí đặc biệt nguy hiểm, 16 vị trí nguy hiểm và 1 vị trí bình thường. Các vị trí này phân bố trên địa bàn 8 quận, huyện: quận 2 (5 vị trí), quận 7 (1), quận 8 (1), quận Thủ Đức (5), quận Bình Thạnh (3), huyện Bình Chánh (4), huyện Nhà Bè (16) và huyện Cần Giờ (5). Điều đáng nói, hầu hết các điểm sạt lở này đều nằm trong danh mục phải đầu tư xây dựng công trình để khắc phục nhưng nhiều năm qua vẫn giậm chân tại chỗ.
Lý giải về vấn đề này, ông Trần Văn Giàu, Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa, cho rằng khó khăn lớn nhất làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án chống sạt lở là khâu giải tỏa di dời dân. Mặc dù TP đã chỉ đạo các quận huyện đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư trước ngày 1-1-2018, nhưng hầu hết đến nay vẫn chưa được giao như đã cam kết. Trong 8 công trình chống sạt lở do khu làm chủ đầu tư dự kiến hoàn thành trong năm nay thì có 3 công trình bị vướng vì lý do trên. Cụ thể, dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ tả rạch Giồng sông Kinh Lộ vận động được 12/13 hộ dân bàn giao mặt bằng, còn vướng 1 hộ. Công trình kè chống sạt lở bờ trái hạ lưu cầu Phước Lộc cũng còn 1 hộ dân chưa giao mặt bằng. Công trình kè chống sạt lở rạch Tắc Bến Rô mới hoàn thành được 15% khối lượng và có 4/5 hộ không chịu bàn giao mặt bằng. Các công trình trên đều ở huyện Nhà Bè - nơi có nhiều sông rạch, nhà dân sát bờ sông nên cần phải khẩn trương hoàn thành công tác xử lý các điểm sạt lở.
Theo Ban Bồi thường và giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè, nguyên nhân của tình trạng trên là do có nhiều vướng mắc về giá cả đền bù, phương án tái định cư cho người dân.
Nỗi lo sống cạnh “hà bá”
Để các dự án hoàn thành đúng tiến độ, Khu Quản lý đường thủy nội địa đã kiến nghị Sở NN-PTNT đề xuất UBND TPHCM chỉ đạo UBND các quận, huyện khẩn trương đền bù giải tỏa và bàn giao mặt bằng để tổ chức thi công; kiến nghị Hội đồng Thẩm định bồi thường TP (thuộc Sở TN-MT) đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt đơn giá bồi thường đối với các dự án chống sạt lở, tạo cơ sở để UBND các quận, huyện đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đáng nói, tại nhiều cuộc họp về tình hình sạt lở ven sông, kênh rạch trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã nhiều lần chỉ đạo các quận, huyện đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư triển khai thi công. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chưa được cải thiện đáng kể. Hiện nay, một số dự án vẫn đang phải tạm dừng thi công chờ bàn giao mặt bằng. Như vậy, mùa mưa năm nay người dân TP vẫn tiếp tục phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ “hà bá” chờ chực nuốt chửng căn nhà của họ.
Được biết, các dự án chống sạt lở ở TPHCM bao gồm: Xây dựng kè chống sạt lở khu vực rạch Giồng Ông Tố (đoạn tiếp giáp Trường THPT Giồng Ông Tố, quận 2); kè chống sạt lở bờ hữu kênh Cây Khô (huyện Nhà Bè); chống sạt lở kênh Thanh Đa, đoạn 1.4 từ hạ lưu cầu Kinh (phường 27, quận Bình Thạnh); kè chống sạt lở Kênh Tẻ (đoạn từ cầu Tân Thuận đến công viên phường 18, quận 4); kè chống sạt lở rạch Tôm (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè); kè bờ hữu sông Mương Chuối (đoạn từ cầu Phước Kiển - rạch bà Chiêm, huyện Nhà Bè); kè chống sạt lở rạch Dơi - sông Kinh (huyện Nhà Bè); kè bảo vệ bờ sông khu vực ngã ba sông Bến Lức - kênh Xáng (huyện Bình Chánh)...