Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ hạn chế dần sự phụ thuộc của sản xuất và các hoạt động công nghiệp đối với nhiên liệu hóa thạch được xem là cấp thiết.
Trong đó, hydro (hydrogen) nổi lên như một “ứng cử viên” sáng giá trong vai trò thay thế cho các nguồn nhiên liệu, năng lượng kiểu cũ.
PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn, cho biết, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc 2021 (COP26) đã mang lại niềm hy vọng lớn khi rất nhiều quốc gia có cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính; có 45 quốc gia cam kết chuyển đổi đầu tư cho nền nông nghiệp xanh, bền vững; nhiều hãng ô tô cũng tuyên bố chuyển sang sử dụng năng lượng điện thay cho xăng dầu.
Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng phát triển của toàn thế giới, bởi mô hình này có thể tác động trực tiếp 11/17 mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm cả mục tiêu liên quan tới giảm thiểu, ứng phó với biến đổi khí hậu. Kinh tế tuần hoàn có thể đóng góp tới 45% cho quá trình giảm thải khí carbon mà COP26 đề ra, 55% còn lại phải bắt nguồn từ việc chuyển đổi sang những dạng năng lượng tái tạo.