Sẵn sàng thỏa hiệp
Trả lời phỏng vấn tờ Bild của Đức, Tổng thống Zelensky khẳng định, sẵn sàng đàm phán và thỏa hiệp, đồng thời hy vọng các bên liên quan cũng có quan điểm tương tự. Theo Tổng thống Ukraine, đối thoại là giải pháp duy nhất cho tình hình hiện nay, dù rằng hiện quá khó và còn quá sớm để nói về chi tiết. Đến nay, chưa có cuộc tiếp xúc nào giữa Tổng thống Zelensky và Tổng thống Nga Putin.
Trong khi đó, cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc mà không đạt được tiến triển nào về vấn đề hành lang nhân đạo cũng như một lệnh ngừng bắn. Tại cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Lavrov tái khẳng định quan điểm của Nga về lập trường trung lập của Ukraine và nêu rõ Nga sẵn sàng thảo luận việc đảm bảo an ninh cho Ukraine. Ngoại trưởng Nga nói thêm rằng Tổng thống Putin sẽ không từ chối một cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Zelensky, song mọi cuộc gặp cần có nội dung cụ thể.
Hãng thông tấn TASS dẫn phát biểu của ông Lavrov tại cuộc họp báo sau hội đàm nhấn mạnh quan điểm của Nga là “hòa bình lạnh vẫn tốt hơn chiến tranh lạnh”. Theo ông Lavrov, phía Nga đã đưa ra các đề xuất với phía Ukraine và mong Kiev hồi đáp. Về phía Ukraine, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cho biết, hai bên đã thảo luận về một lệnh ngừng bắn, nhưng không đạt được tiến triển; hai bên cũng thảo luận về một hành lang nhân đạo tại thành phố Mariupol, song không đi đến nhất trí. Ông Kuleba cho biết ông Lavrov sẽ trao đổi nội dung này với giới chức liên quan ở Nga.
Doanh nghiệp châu Âu thêm khó
Các doanh nghiệp châu Âu đang gặp thêm nhiều khó khăn trong vấn đề chuỗi cung ứng vốn đã chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp cảnh báo, cuộc xung đột ở Ukraine đang làm gia tăng tình trạng thiếu hụt các linh kiện, phụ kiện quan trọng phục vụ hoạt động sản xuất.
Những khó khăn mới đặt ra thêm thách thức cho quá trình phục hồi kinh tế ở châu Âu, cũng như gây nguy cơ kéo dài tình trạng tắc nghẽn đang xảy ra mà ở một số lĩnh vực khó có thể giải quyết được cho đến tận năm sau. Các nhà sản xuất ô tô của Đức như Porsche, Volkswagen, BMW và hãng chế tạo xe tải MAN cho biết, đã cắt giảm sản lượng vì thiếu nguồn cung từ khu vực xung đột. Nhà sản xuất phụ tùng ô tô Continental của Đức cho rằng, trong trường hợp vấn đề địa chính trị, đặc biệt là ở Đông Âu, vẫn tiếp tục căng thẳng có thể dẫn đến những hậu quả lâu dài đối với hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng và khả năng đáp ứng các nhu cầu khác. Tuần trước, hãng sản xuất lốp xe Michelin của Pháp cũng đã phải tạm ngừng sản xuất tại một số nhà máy ở châu Âu vì gặp các vấn đề về logistics. Tại CH Czech, hơn 20% công ty trong lĩnh vực ô tô đang phải giải quyết những trở ngại liên quan đến vấn đề về logistics vì thiếu các linh kiện, phụ tùng.
Nhiều lĩnh vực khác cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ như nhà sản xuất vòng bi Schaeffler của Đức, chuỗi cửa hàng Clas Ohlson ở Thụy Điển. Thậm chí, giới chức trong lĩnh vực vận tải Đức còn cho biết, xung đột đang gây ra tình trạng thiếu hụt lực lượng tài xế do nhiều tài xế là người Ukraine. Theo thống kê, ít nhất 7% tài xế xe tải ở Đức đến từ Ukraine. Trước những khó khăn trên, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Scope ở châu Âu đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Đức năm 2022 từ 4,4% xuống 3,5% do tình trạng xung đột làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng hiện nay và sức ép lạm phát.
Bộ Quốc phòng Mỹ loại trừ khả năng cung cấp máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine vì đây sẽ là một động thái nguy cơ cao dẫn tới căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Nga với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). |