LTS: Trong một thế giới mà hơn 90% thương mại quốc tế phụ thuộc vào vận tải biển, an ninh hàng hải và tự do lưu thông trên biển luôn mang tính thời sự. Vậy, chuyện gì sẽ xảy ra nếu như các huyết mạch thương mại này bị cản trở?
Kênh đào, eo biển kết nối giao thương
Kênh đào Panama là tuyến đường thủy nhân tạo dài 82km ở Panama, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương và phân chia Bắc - Nam Mỹ. Kênh đào Panama giúp giảm đáng kể thời gian tàu thuyền đi lại giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cho phép chúng tránh được tuyến đường Mũi Sừng dài và nguy hiểm (quanh cực Nam của Nam Mỹ) qua eo biển Drake hoặc eo biển Magellan, thậm chí cả tuyến đường ít phổ biến hơn là qua quần đảo Bắc cực và eo biển Bering. Con kênh này là nơi mà 2% - 3% mậu dịch quốc tế phải đi qua.
Nói đến kênh đào, không thể không nhắc tới Suez ở Ai Cập. Kênh đào này là tuyến đường vận tải hàng hải nối Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Khoảng 12% thương mại toàn cầu, bao gồm khoảng 10% tổng lượng dầu thô được vận chuyển bằng đường biển đi qua con kênh dài hơn 193km này. Đây là tuyến đường ngắn nhất nối châu Á với châu Âu, đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động thương mại và vận chuyển hàng hóa toàn cầu.
Trong khi đó, eo biển Malacca - một tuyến đường vận tải hàng hải quan trọng không kém - nối liền biển Andaman (Ấn Độ Dương) và Biển Đông (Thái Bình Dương). Nằm giữa bờ biển phía Đông Bắc của đảo Sumatra, Indonesia và bờ biển phía Tây Nam của bán đảo Malaysia, eo biển dài 800km này có hình phễu, rộng nhất ở phía Tây Bắc và hẹp nhất ở phía Đông Nam.
Mỗi ngày, có hàng ngàn container đi qua eo biển Malacca với khoảng 200.000 tấn hàng hóa giao dịch trên thế giới. Eo biển này là kênh vận chuyển chính giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, kết nối các nền kinh tế lớn của châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Có thể nói, eo biển Malacca không chỉ quan trọng trong thương mại mà còn có tầm quan trọng đối với địa chính trị và an ninh trong khu vực. Còn eo biển Đài Loan, dài khoảng 180km - nằm giữa lãnh thổ Đài Loan và Trung Quốc, là tuyến đường huyết mạch cho tàu hàng từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sang phía Tây, mang theo hàng hóa từ các nhà máy ở châu Á tới châu Âu và châu Mỹ. Đây là một trong những tuyến đường vận tải biển tấp nập nhất thế giới.
Tuyến vận tải chiến lược
Biển Đông - với diện tích rộng lớn vào khoảng 3,5 triệu km2 và vị trí chiến lược, là một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất trên thế giới. Nằm trên tuyến giao thông đường biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Á - châu Âu và châu Á - Trung Đông, Biển Đông cũng là tuyến đường nối liền các nền kinh tế lớn và đang phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia. Tuyến đường này vận chuyển rất nhiều loại hàng hóa, trong đó có dầu thô, khí đốt và hàng hóa công nghiệp.
Trong lịch sử, Biển Đông là tuyến đường thiết yếu trong giao thông, giao thương, di cư giữa Ấn Độ và Trung Quốc, là một phần quan trọng của “con đường tơ lụa” trên biển kết nối phương Đông với phương Tây. Còn hiện nay, Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp thứ hai thế giới tính theo tổng lượng hàng hóa thương mại vận chuyển hàng năm. Đây cũng là cửa ngõ giao thương quốc tế của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp giáp, giữ vai trò là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều nước ở các khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á có nền kinh tế gắn liền với các con đường thương mại, hệ thống cảng biển và nguồn tài nguyên trên Biển Đông.
Trong khi đó, lâu nay, Biển Đỏ - tuyến hàng hải huyết mạch kết nối Á - Âu, luôn là mắt xích quan trọng và then chốt trong chuỗi cung ứng của thế giới về dầu, khí đốt tự nhiên, thực phẩm, sản phẩm công nghiệp... khi xử lý khoảng 12% khối lượng thương mại toàn cầu. Là con đường ngắn nhất, rẻ nhất và hiệu quả nhất để kết nối châu Á và châu Phi với châu Âu qua Địa Trung Hải, tuyến vận tải Biển Đỏ đi qua kênh đào Suez có tầm quan trọng không thể bàn cãi. Có thể nói, Biển Đỏ là một trong những tuyến huyết mạch trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay và là một trục chiến lược trên bàn cờ thương mại quốc tế.