Huyện Tu Mơ Rông kiến nghị TPHCM hỗ trợ để giúp đồng bào Xơ Đăng thoát nghèo bền vững

Huyện Tu Mơ Rông đã kiến nghị TPHCM tham gia hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát; khôi phục làng văn hoá Xơ Đăng; thiết bị dạy học; quảng bá tiềm năng dược liệu, du lịch; tổ chức hội thảo khoa học về sâm… Huyện tin rằng với tiềm lực to lớn, nếu TPHCM hỗ trợ, sẽ giúp đồng bào Xơ Đăng thoát nghèo bền vững.

GTHTHNJJ.jpeg
Huyện Tu Mơ Rông tổ chức hội thi ẩm thực quốc tế, trong đó lồng ghép các chương trình nhằm phát huy, bảo tồn văn hoá đồng bào Xơ Đăng. Ảnh: HP

Kiến nghị hỗ trợ 6 nội dung

Ngày 5-9, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) cho biết, đơn vị này đã có văn bản gửi UBND TPHCM đề nghị hỗ trợ một số nội dung để giúp người dân trên địa bàn phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Theo đó, UBND huyện Tu Mơ Rông đề xuất TPHCM hỗ trợ 6 nội dung.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của thành phố kết nghĩa với địa phương giúp đỡ huyện trong công tác khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa cộng đồng; quảng bá, trồng, thu mua, chế biến dược liệu, tiêu thụ gia súc, gia cầm, nông sản sạch để người dân có điều kiện hơn trong để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

HFHFGH.jpeg
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày Sâm Ngọc Linh tại Hội thi ẩm thực thực dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh do huyện Tu Mơ Rông tổ chức vào cuối năm 2023. Ảnh: HP

Xem xét, hỗ trợ huyện trong việc thực hiện xây dựng, khôi phục mô hình Làng văn hóa Xơ Đăng nguyên bản tại làng Mô Pảh (xã Đăk Hà) gắn với du lịch; hỗ trợ xây dựng nhà ở truyền thống cho các hộ dân với tổng nhu cầu 80 căn, kinh phí khoảng hơn 14,7 tỷ đồng.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, hướng đến nâng cao chất lượng học sinh, huyện Tu Mơ Rông kiến nghị hỗ trợ thiết bị học dạy theo mô hình trực tuyến với số lượng khoảng 9 bộ, kinh phí 855 triệu đồng và hỗ trợ giáo viên liên kết giảng dạy trực tuyến những môn mà huyện đang thiếu nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, kiến nghị hỗ trợ xây dựng nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 292 hộ nghèo, cận nghèo.

MKUKK.jpeg
Người nghèo huyện Tu Mơ Rông được hỗ trợ sâm giống để trồng. Ảnh: HP

Ngoài ra, kiến nghị phối hợp, hỗ trợ tổ chức hội thảo khoa học “xây dựng bảo vệ, phát triển thương hiệu Sâm Ngọc Linh nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn”; quan tâm hỗ trợ tổ chức các đoàn khách Caraval định kỳ hoặc theo sự kiện đến trải nghiệm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại huyện Tu Mơ Rông.

Kỳ vọng vào sự hỗ trợ của TPHCM

Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Những năm qua, TPHCM và tỉnh Kon Tum có thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. TPHCM cũng đã tham gia, hỗ trợ Kon Tum nhiều mặt.

Trong khi đó, Tu Mơ Rông là huyện nghèo của tỉnh Kon Tum. Địa bàn có tiềm năng là phát triển dược liệu dưới tán rừng và du lịch sinh thái. Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Tu Mơ Rông đã triển khai nhiều biện pháp để chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng giáo dục; xây dựng các mô hình du lịch dựa trên thế mạnh về dược liệu, các cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nền văn hoá Xơ Đăng độc đáo. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo. Huyện đã xây dựng được sản phẩm du lịch độc đáo, không nơi nào có là tham quan vườn Sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới. Đời sống người dân không ngừng nâng cao.

HGFHFGHFG.jpeg
Sâm Ngọc Linh được trồng ở huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: HP

Tuy nhiên, theo ông Võ Trung Mạnh, dù Tu Mơ Rông có tiềm năng lớn nhưng vẫn chưa khai thác hết. Lý do vì tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, chiếm 95%; trong khi tiềm lực đầu tư chưa nhiều, dẫn đến chưa thể phát triển như kỳ vọng.

Việc kiến nghị TPHCM hỗ trợ 6 nội dung nói trên, được huyện chủ động đề xuất, dựa trên thông báo kết luận buổi làm việc giữa TPHCM và tỉnh Kon Tum. Các nội dung này tập trung vào việc an cư cho người nghèo; nâng cao chất lượng giáo dục; khôi phục bản sắc văn hoá đồng bào Xơ Đăng; nâng tầm giá trị dược liệu, du lịch. Các nội dung kiến nghị TPHCM đều nhằm mục đích giúp đồng bào Xơ Đăng phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Cũng theo ông Mạnh, trước kiến nghị của UBND huyện Tu Mơ Rông, UBND TPHCM đã có văn bản giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, Sở NN-PTNT, Sở GD-ĐT, Sở LĐTB-XH, Sở VH-TT nghiên cứu, tham mưu UBND TPHCM.

“Những kiến nghị của Tu Mơ Rông nói trên đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cuộc sống. Huyện Tu Mơ Rông tin rằng nếu được TPHCM hỗ trợ, đời sống đồng bào Xơ Đăng sẽ được nâng cao; các giá trị văn hoá bản địa sẽ được khôi phục”, ông Mạnh nói.

Tin cùng chuyên mục