Huyện Trảng Bom (Ðồng Nai): Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

Ngày 22-11-2014, Ban Bí thư (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hộI (CSXH) .

Qua 10 năm thực hiện, đến nay Chỉ thị 40-CT/TW của Đảng đã đi sâu vào cuộc sống địa bàn huyện Trảng Bom, tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách và trở thành một kênh tín dụng thiết yếu giúp hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng chính sách

Sau khi Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Huyện ủy, UBND huyện đã tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW, ban hành các văn bản có liên quan triển khai thực hiện Chỉ thị kịp thời, có hiệu quả để các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng CSXH là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, địa phương mình. Qua đó đã nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng CSXH, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn, chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp tốt với ngân hàng CSXH.

UBND huyện và Ngân hàng CSXH huyện tặng sổ tiết kiệm cho hộ gia đình chính sách khó khăn nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Trảng Bom.jpg
UBND huyện và Ngân hàng CSXH huyện tặng sổ tiết kiệm cho hộ gia đình chính sách khó khăn nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Trảng Bom

Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn, các ban, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước về tín dụng CSXH bằng nhiều hình thức để cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người nghèo, đối tượng chính sách khác hiểu rõ lợi ích của tín dụng CSXH, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoạt động thông tin tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức, gồm: Tuyên truyền qua các cơ quan truyền thông báo, đài địa phương bằng các phóng sự và tin bài; nội dung bài viết chủ yếu tuyên truyền về hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách, giới thiệu để nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả, sử dụng vốn tín dụng chính sách đúng mục đích mang lại hiệu quả cao, những hộ nghèo được vay vốn có ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

Bằng hình thức tuyên truyền qua các bản tin của các tổ chức chính trị - xã hội; tuyên truyền tại cuộc họp giao ban tại Điểm giao dịch xã, các buổi sinh hoạt định kỳ của Tổ tiết kiệm và vay vốn; lãnh đạo cấp ủy chính quyền cơ sở, trưởng ấp, khu phố tuyên truyền tại các cuộc họp chi bộ ấp, khu phố; qua loa truyền thanh của xã, ấp, khu phố...

Tặng sổ tiết kiệm cho hộ gia đình chính sách khó khăn nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Trảng Bom (1).jpg
Tặng sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách khó khăn nhân kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Trảng Bom

Hàng năm, UBND huyện đều dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng CSXH trên địa bàn. Tính đến ngày 30-4-2024, tổng số vốn ngân sách huyện ủy thác qua Ngân hàng CSXH huyện đạt 64,15 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 44,58% tổng nguồn vốn địa phương, tăng 64,15 tỷ đồng so với năm 2014, tăng 43,9 tỷ đồng so với năm 2019 (tỷ lệ tăng 216,8%).

Ngân hàng CSXH huyện là đơn vị tham mưu và trực tiếp triển khai việc việc chuyển tải, quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách đạt hiệu quả cao nhất; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, hạn chế rủi ro tín dụng, đảm bảo an toàn về nguồn vốn; tăng cường kiểm soát nội bộ, phối hợp với đơn vị có liên quan thực hiện giám sát định kỳ, đột xuất với đơn vị nhận ủy thác để phát hiện tồn tại, qua đó có kiến nghị, chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Kết quả đáng mừng

Báo cáo của UBND huyện Trảng Bom cho thấy, tỷ lệ nợ quá hạn của Ngân hàng CSXH đều giảm qua các năm (năm 2014 là 0,73%/tổng dư nợ, năm 2019 tỷ lệ nợ quá hạn còn 0,3%/tổng dư nợ, đến cuối tháng 4-2024 còn 0,17%/tổng dư nợ). Đặc biệt, vốn tín dụng từ Ngân hàng CSXH góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 2,52% năm 2014 (1.785 hộ) xuống 0,47% cuối năm 2019 (459 hộ), đến cuối năm 2023, số hộ nghèo theo chuẩn trung ương còn 289 hộ, chiếm tỷ lệ 0,27%; số hộ nghèo theo chuẩn địa phương còn 431 hộ, chiếm tỷ lệ 0,4%; hộ cận nghèo giảm từ 1,02% (720 hộ) năm 2014 xuống còn 379 hộ, chiếm tỷ lệ 0,39% (năm 2019), đến cuối năm 2023 còn 522 hộ cận nghèo chuẩn địa phương, chiếm tỷ lệ 0,49% và không còn hộ cận nghèo chuẩn trung ương.

lãnh đạo UBND huyện Trảng Bom (phải) tặng hoa chúc mừng Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng chính sách trên địa bàn huyện (1).jpg
Lãnh đạo UBND huyện Trảng Bom (phải) tặng hoa chúc mừng Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng chính sách trên địa bàn huyện

Đến ngày 30-4-2024, huyện Trảng Bom đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới, có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Trung Hòa, An Viễn, Bàu Hàm, Cây Gáo, Quảng Tiến, Sông Thao, Thanh Bình, Tây Hòa, Đông Hòa, Đồi 61), trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (Trung Hòa); có 6 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (Bắc Sơn, Bình Minh, Giang Điền, Sông Trầu, Hố Nai 3, Hưng Thịnh)

Ông Lê Ngọc Tiên, quyền Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, đánh giá: “Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách ngày càng phát huy được hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao. Giai đoạn 2014 - 2024, tín dụng CSXH đã góp phần tích cực trong việc giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện”.

Tuy vậy, theo lãnh đạo Ngân hàng CSXH huyện Trảng Bom thì nguồn vốn để thực hiện cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ còn hạn chế so với nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của đối tượng được thụ hưởng chương trình, đặc biệt đối với hộ vượt nghèo trên 3 năm, hộ thu nhập thấp, lao động nông thôn học nghề. Nguồn vốn bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách huyện sang cho Ngân hàng CSXH còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu. Mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (hiện là 10 triệu đồng/công trình) chưa phù hợp với mặt bằng giá cả hiện nay.

Nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng CSXH huyện Trảng Bom trong 10 năm qua đã cho hơn 38.348 lượt hộ vay với doanh số 1.105 tỷ đồng, giúp diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi tích cực. Trong đó, giúp 6.142 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn để sản xuất kinh doanh; giúp 9.753 hộ gia đình và người lao động được vay vốn để hỗ trợ tạo việc làm; giúp 3.190 hộ gia đình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, học nghề; giúp 19.092 hộ dân ở nông thôn vay vốn để xây dựng 37.684 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn; giúp 39 hộ thuộc đối mua nhà ở, xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà để ở.

Tin cùng chuyên mục