Huyền thoại Ê Đê trên đường phố

Qua từng nét vẽ của các họa sĩ tài hoa, văn hóa, lịch sử và những truyền thuyết của cộng đồng đã được khắc họa một cách sinh động, ý nghĩa trên con đường bích họa tại thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk). Đường bích họa không chỉ đơn thuần là những bức tranh màu sắc sống động, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật phản ánh sâu sắc hồn dân tộc Ê Đê Bih.

“Sông Mẹ, sông Cha”

Buôn Trấp là một địa danh cổ giàu bản sắc, gắn liền với nơi cư trú chủ yếu của người Ê Đê Bih (một nhánh của người Ê Đê). Giá trị văn hóa của con người nơi đây đã trở thành những huyền thoại được lưu giữ qua ngàn đời.

Đến Buôn Trấp vào những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025, chúng tôi bắt gặp họa sĩ Trần Thanh Long, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật tỉnh Đắk Lắk, cùng các cộng sự đang miệt mài thực hiện công trình bích họa đường phố huyện Krông Ana. Công trình được thực hiện tại 2 địa điểm (bức tường bên trái phía sau Trường THPT Krông Ana và Trường THCS Buôn Trấp thuộc đoạn đường từ ngã tư Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo đến ngã ba đường Lê Duẩn - Nguyễn Văn Linh và bức tường phía đường Chu Văn An của Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh huyện Krông Ana).

Theo họa sĩ Trần Thanh Long, đường bích họa lấy chủ đề “Huyền thoại vùng đất Krông Ana bên dòng sông Mẹ” là ý tưởng của nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk. Ý tưởng dựa trên huyền thoại về nguồn gốc của người dân tộc Ê Đê từ ngàn xưa gắn với hang thần Băng Adrênh (thuộc huyện Krông Ana). Qua đó, phác họa các hình ảnh về con người, văn hóa, sự hình thành và phát triển của huyện Krông Ana.

“Công trình bích họa tái hiện câu chuyện huyền sử về 2 dòng sông Krông Ana và Krông Nô hòa quyện với nhau, tạo thành dòng sông Sêrêpốk huyền thoại”, họa sĩ Trần Thanh Long chia sẻ.

Q6A.jpg
Các họa sĩ đang thực hiện công trình bích họa đường phố ở Krông Ana

Theo truyền thuyết của người Ê Đê, ngày xưa, có một cô gái yêu chàng trai sống ở bên kia sông. Vì nhà nghèo, không có chiêng ché, trâu bò để “bắt” chàng trai về làm chồng, nên gia đình hai bên đã ngăn cấm đôi trai gái yêu nhau. Tuyệt vọng vì duyên không thành, cô gái đã gieo mình xuống dòng sông để quyên sinh. Chàng trai cũng đau buồn mà hòa mình vào dòng sông. Cô gái hóa thành dòng sông Mẹ (sông Krông Ana bây giờ), còn chàng trai hóa thành dòng sông Cha (sông Krông Nô). Sông Mẹ và sông Cha sau đó đã hợp nhất thành dòng sông lớn là sông Sêrêpôk và đôi uyên ương đã được mãi mãi bên nhau.

Trải qua ngàn đời, sông Mẹ đã mang đến tôm cá, bồi đắp phù sa cho bao cánh đồng màu mỡ. Người M’Nông, người Ê Đê, người Kinh… đã cùng nhau quần tụ bên hai bờ sông Mẹ ngày càng đông đúc. Cuộc sống cấy cày, chài lưới đã hình thành cộng đồng dân cư huyện Krông Ana bây giờ.

Mang giá trị giáo dục nhân văn

Họa sĩ Trần Thanh Long cho biết, đường bích họa không chỉ nhằm mục đích làm đẹp cho thị trấn mà còn là một nỗ lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng Ê Đê Bih. Mỗi bức tranh đều mang trong mình một phần hồn dân tộc, khắc họa chân thực những phong tục, tập quán và truyền thuyết của người Ê Đê.

Đi dọc con đường bích họa, ngắm từng tác phẩm, người xem có thể cảm nhận được những hình ảnh khắc họa là câu chuyện sống động về lịch sử, văn hóa, đời sống, tâm tư và tình cảm của cộng đồng Ê Đê. Đường bích họa không chỉ giúp người dân tự hào về bản sắc văn hóa của mình mà còn tạo cơ hội để giới trẻ tìm hiểu và trân trọng di sản văn hóa của cha ông để lại. Dù công trình vẫn đang trong thời gian hoàn thiện, nhưng từ Tết Nguyên đán đến nay, đường bích họa đã thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là giới trẻ đến tham quan, chụp ảnh, check-in.

Em Nguyễn Hoàng Diệu Hương (lớp 12, Trường THPT Krông Ana) chia sẻ: “Đến thăm đường bích họa, em biết được lịch sử hào hùng của dân tộc, biết được huyền thoại của dòng sông bao năm che chở buôn làng nơi vùng đất mình đang sinh sống. Đường bích họa không chỉ là điểm nhấn, tô điểm cho đô thị mà là một công trình có giá trị giáo dục nhân văn đối với lớp trẻ như chúng em. Em tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu tình cảm con người với giá trị văn hóa hào hùng của dân tộc”.

Ông Phan Thanh Việt, Chủ tịch UBND thị trấn Buôn Trấp, cho biết, công trình đường bích họa dự kiến hoàn thành vào ngày 28-2, là một phần trong chuỗi hoạt động chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Buôn Ma Thuột. Công trình không chỉ là điểm nhấn trong hoạt động du lịch của địa phương mà còn là cơ hội để giới thiệu về văn hóa đặc sắc của dân tộc Ê Đê, đặc biệt là đội chiêng nữ Ê Đê Bih của thị trấn đến bạn bè trong và ngoài tỉnh.

Tin cùng chuyên mục