Huyền thoại bước chân - câu chuyện dép lốp Việt Nam từ quá khứ tới hiện tại
SGGPO
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ngày 28-8, Trung tâm xúc tiến quảng bá di sản văn hoá phi vật thể Việt Nam phối hợp cùng gia đình nghệ nhân Phạm Quang Xuân - thương hiệu vua Dép Lốp, tổ chức chương trình biểu diễn mang tên “Huyền thoại bước chân” và trưng bày các mẫu dép cao su từ cổ điển đến hiện đại, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
“Huyền thoại bước chân” là tác phẩm trình diễn theo kiểu kể chuyện tự sự kết hợp với trình chiếu và biểu diễn công đoạn làm dép lốp huyền thoại. Thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật sân khấu bao gồm các loại hình hát, múa, nhảy hiện đại, kịch nói và tương tác trực tiếp với khán giả, vở diễn là một sáng tạo tập thể của các nghệ nhân, nghệ sĩ thể hiện góc nhìn mới về đôi dép cao su lịch sử.
Năm công đoạn làm dép lốp huyền thoại được tái hiện trong chương trình Huyền thoại bước chân
Đôi dép cao su không chỉ là một biểu tượng chiến thắng của quá khứ, đó còn là một biểu tượng dẫn dắt vào tương lai, là một tác phẩm nghệ thuật đại diện cho căn tính của người Việt về sự bền bỉ, sáng tạo, không ngừng biến đổi để thích nghi. Cho đến ngày hôm nay, dép lốp không chỉ mang câu chuyện lịch sử đơn thuần mà còn khoác lên mình những yếu tố của thời đại mới: năng động, trẻ trung, bền bỉ và đặc biệt thân thiện với môi trường.
Nhiều hiện vật, câu chuyện lịch sử liên quan tới đôi dép cao su huyền thoại được trưng bày trong triển lãm
Tại triển lãm, người xem bị cuốn hút với hình ảnh đôi dép Bác Hồ do nghệ nhân Phạm Quang Xuân tái tạo. Dép Bác Hồ ra đời vào khoảng năm 1947, chế tạo từ một chiếc lốp ô tô quân sự của quân đội Pháp do quân đội Việt Nam thu được sau trận phục kích lại Việt Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt yêu thích đôi dép này. Người đã sử dụng trong suốt 20 năm từ năm 1947 đến khi Người qua đời. Đôi dép cũng theo chân Người đến nhiều quốc gia như Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ… Hiện nay đôi dép này đang được trưng bày trong Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.