Huyện Tân Hưng (Long An): Xây dựng khu chuyên sản xuất lúa chất lượng cao

UBND huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) đang lên kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp sử dụng 850ha đất công ở xã Hưng Điền làm khu chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao. Để thực hiện kế hoạch trên, chính quyền địa phương đang phối hợp với các ngành chức năng liên quan kiên quyết xử lý, thu hồi những phần đất công bị người dân lấn chiếm hoặc hết hạn thuê đất của Nhà nước nhưng không trả đất và tiền thuê đất theo quy định.

Một góc khu đất công 850ha ở xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An
Một góc khu đất công 850ha ở xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An

Thu hồi đất hết hạn cho thuê

Ông Lê Thành Yên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, cho biết, khu đất công hơn 850ha được UBND huyện quy hoạch sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, việc triển khai đang gặp nhiều khó khăn do nhiều người dân hết hạn thuê đất vẫn không trả, thậm chí có trường hợp đòi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ thể, năm 1989, UBND tỉnh Long An có chủ trương giao khu đất cho Đoàn xây dựng kinh tế 1, về sau đổi tên thành Công ty TNHH Một thành viên Đồng Tháp I (gọi tắt là Công ty Đồng Tháp I) thuê sử dụng. Năm 1991, Công ty Đồng Tháp I thực hiện giao khoán đất cho các hộ dân sản xuất lúa, giá giao khoán được UBND tỉnh Long An phê duyệt.

Đến năm 1995, Công ty Đồng Tháp I tiếp tục cho các hộ dân hợp đồng khoán với thời hạn 20 năm (1995-2015). Nhưng đến năm 2005, công ty và các hộ dân phải ký lại hợp đồng nhận khoán mới (thời gian tính từ 2007-2013) theo quy định của Nghị định 135/2005/NĐ-CP. Sau đó, Công ty Đồng Tháp I và các hộ dân tiếp tục ký hợp đồng nhận khoán đất để sản xuất lúa, nhưng chỉ có 512/540 hộ tái ký hợp đồng; 28 hộ còn lại không chịu ký hợp đồng nhận khoán đất mới nhưng vẫn tiếp tục canh tác và nợ tiền thuê đất từ năm 2007 đến nay. Mới đây, các hộ này đề nghị chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trên phần đất nhận giao khoán, tuy nhiên không được địa phương giải quyết do không đúng quy định.

Đến tháng 9-2019, UBND tỉnh Long An có quyết định thu hồi đất của Công ty Đồng Tháp I và giao UBND huyện Tân Hưng quản lý, khai thác. Qua thống kê, kiểm tra hiện trạng sử dụng đất tại khu đất công 850ha, thời điểm này có 416 hộ dân đang nhận khoán đất để sản xuất lúa. Trong số này, có nhiều trường hợp thuê đất sản xuất lúa nhưng không trả tiền thuê cho cơ quan quản lý, thậm chí đến nay không chịu trả đất khi hợp đồng đã hết hạn.

Tạo quỹ đất sạch

Trước thực tế trên, UBND huyện Tân Hưng đã thành lập Tổ kiểm tra đến làm việc với từng hộ dân nhận khoán đất trước đây, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nhiều hộ dân nhận khoán đất cho biết có hoàn cảnh khó khăn và bày tỏ mong muốn được nhà nước cho thuê dài hạn (từ 10 năm đến 20 năm) và giảm giá cho thuê từ 1,8 triệu đồng/ha/năm còn 1 triệu đồng/ha/năm.

Ông Huỳnh Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, cho biết, việc một số hộ dân thuê đất công để sản xuất, khi hết hạn hợp đồng không trả đất và yêu cầu chính quyền địa phương cấp sổ đỏ là không có cơ sở, không đúng quy định của pháp luật. Đối với đề nghị cho thuê đất dài hạn, UBND huyện Tân Hưng cũng không giải quyết được vì UBND tỉnh Long An đã có chủ trương cho thuê đất hàng năm, người dân thuê đất phải ký hợp đồng và nộp tiền thuê đất theo quy định. Trường hợp người dân không tiếp tục ký hợp đồng hàng năm thì xem như không có nhu cầu sử dụng, huyện sẽ thu hồi và cho người khác có nhu cầu thuê đất. Riêng việc giảm tiền thuê đất, hộ nào khó khăn, có đơn yêu cầu thì UBND huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết nhưng đến nay các hộ dân không nộp đơn.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng Huỳnh Thanh Hiền, từ khi tỉnh giao khu đất công nói trên cho huyện quản lý, người dân có biểu hiện không hợp tác, chiếm đất, việc ký hợp đồng thuê đất qua từng năm giảm dần. Những trường hợp ký hợp đồng cũng không nộp tiền thuê đất, việc quản lý đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy, UBND huyện Tân Hưng đã làm tờ trình xin chủ trương của UBND tỉnh được sử dụng hơn 850ha đất công này để kêu gọi, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất lúa chất lượng cao, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí đất công.

UBND huyện Tân Hưng cũng đề xuất UBND tỉnh không tiếp tục gia hạn thời gian cho các hộ dân thuê đất. Đồng thời xin tỉnh cho chủ trương UBND huyện Tân Hưng làm chủ đầu tư thực hiện Dự án tạo quỹ đất sạch để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hình thức đấu giá cho thuê đất, thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, thời gian thuê đất 50 năm.

Ông Võ Minh Thành, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Long An, cho hay, quan điểm của Sở TN-MT là ủng hộ phương án của UBND huyện Tân Hưng, vì hiện nay phần đất này tỉnh vẫn quy hoạch là đất để sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, để có cơ sở sử dụng 850ha đất công ở xã Hưng Điền làm khu chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, UBND huyện Tân Hưng cần có đề án cụ thể, khả thi.

Đề xuất 2 phương án thu hồi đất

UBND huyện Tân Hưng đề xuất UBND tỉnh Long An cho chủ trương tạo quỹ đất sạch 850 ha để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hình thức đấu giá cho thuê đất, thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, thời gian thuê đất 50 năm. UBND huyện Tân Hưng đưa ra 2 phương án thu hồi đất.

Phương án 1: Về chính sách hỗ trợ cho người dân khi tạo quỹ đất sạch

1. Hỗ trợ khác (áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 108 của Luật Đất đai năm 2024) cho các hộ dân nhận khoán đất trước đây với Công ty TNHH MTV Đồng Tháp I do không đủ điều kiện được bồi thường về đất theo quy định tại khoản 1 Điều 101 của Luật Đất đai năm 2024. Đất trồng cây hàng năm (bên trong) là 35.000 đồng/m2. Diện tích đất được hỗ trợ tính theo diện tích thực tế đang canh tác nhưng không vượt quá hạn mức giao đất tại địa phương là 784,155ha (xác định theo trích đo địa chính do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại huyện Tân Hưng lập, được Sở TN-MT tỉnh duyệt).

2. Hỗ trợ đối với nhà ở, công trình phụ, vật kiến trúc, mồ mả xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường về đất (xây dựng trên đất công), trước thời điểm huyện nhận bàn giao quản lý đất, không bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng. Mức hỗ trợ 100% đơn giá xây dựng mới loại nhà ở, công trình xây dựng, vật kiến trúc và đơn giá mồ mả trên địa bàn tỉnh Long An do UBND tỉnh Long An quy định tại thời điểm hỗ trợ.

3. Hỗ trợ chi phí san nền để xây dựng nhà, công trình, vật kiến trúc trên đất công mà không có biên bản xử lý vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền. Mức hỗ trợ chi phí là 87.000 đồng/m3 (đất chặt), tính theo diện tích đo đạc thực tế (trừ các trường hợp có biên bản xử lý vi phạm hành chính buộc khôi phục lại hiện trạng của cơ quan có thẩm quyền thì không hỗ trợ). Diện tích đã san nền không được tính hỗ trợ 35.000 đồng/m2.

4. Hỗ trợ gia đình chính sách: 17 hộ x 15 triệu đồng/hộ = 255 triệu đồng.

5. Hỗ trợ gia đình hộ nghèo: 2 hộ x 30kg gạo/tháng/hộ x 6 năm (72 tháng) = 2 hộ x 30kg x 15.595 đồng/kg/tháng/hộ x 72 tháng = 67.370.400 đồng.

6. Cây trồng, vật nuôi: không hỗ trợ, người dân tự khai thác sử dụng.

7. Bố trí đất ở cho các hộ dân có nhu cầu về nhà ở. Dự kiến khoảng 200 lô nền và các khu đất cơ sở sản xuất kinh doanh kết hợp nhiệm vụ quốc phòng. Vị trí quy hoạch 200m đầu cặp tuyến đường ĐT820, chiều dài tuyến khoảng 2km thuộc khu đất công huyện quản lý sau khi đã tạo quỹ đất sạch.

Nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn thu tiền thuê đất của dự án.

Về mặt thuận lợi khi thực hiện phương án 1: Nhà nước thu hồi toàn bộ 850,79ha đất của 461 hộ dân để thực hiện dự án, tránh được sự so bì. Sau khi dự án thực hiện sẽ tăng thêm thu nhập trên một đơn vị sản xuất, tạo công ăn việc làm cho đơn vị địa phương. Khó khăn là số hộ canh tác sử dụng đất, cầm cố, sang nhượng qua nhiều chủ không rõ ràng; một số hộ không còn đất sản xuất. Tuy nhiên người dân vẫn không hợp tác để kê khai thông tin (chỉ có 65/461 hộ kê khai, trong đó có: gia đình chính sách 17/65 hộ, hộ nghèo 2/65 hộ, hộ cận nghèo 1/65 hộ và có 61/65 hộ không còn đất sản xuất).

Phương án 2: Thu hồi toàn bộ 850,79ha để tạo quỹ đất sạch

Trong đó, sử dụng 728,60ha để thực hiện Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phần diện tích còn lại 122,19ha (khu vực kênh 79 - kênh thủy lợi - kênh T1 - tuyến dân cư Lê Văn Khương) để giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và phát triển kinh tế của địa phương.

Tin cùng chuyên mục