Tại buổi làm việc, cô Trần Thị Thu Trâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phước Kiển thông tin, từ ngày 13-12-2021 đến ngày 14-1-2022, toàn bộ các ca F0 đều được phát hiện tại nhà, chưa có trường hợp học sinh, giáo viên, nhân viên phát hiện là F0 tại trường.
Từ ngày 4-1-2022 đến nay, khi 3 khối lớp 10, 11 và 12 đồng loạt đến trường, nhà trường tổ chức thời khóa biểu gồm các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6 cho học sinh khối 12, riêng hai khối 10 và 11 học 3 buổi/tuần gồm khối 11 học sáng thứ ba, năm, bảy và khối 10 học sáng thứ hai, tư, sáu.
Song song đó, trường vẫn duy trì dạy học trực tuyến vào các buổi còn lại và dạy học trực tuyến cho học sinh không thể đến trường học trực tiếp, phụ đạo học sinh yếu.
Đại diện Trường THPT Phước Kiển cho biết, hiện nay trường mới tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, chưa tổ chức bán trú. Thời gian kiểm tra đánh giá cuối học kỳ 1 sẽ diễn ra từ ngày 11-1 đến ngày 18-1-2022. Những học sinh không thể đến trường kiểm tra trực tiếp trong đợt 1 sẽ được kiểm tra vào đợt 2 từ ngày 19-1 đến ngày 27-1-2022.
Một trong những khó khăn đơn vị đang gặp phải là học phí buổi 1 chưa được ngân sách TP cấp bổ sung, trong khi đó không có bất kỳ khoản thu buổi 2 do học sinh mới đi học 1 buổi/ngày nên khó khăn trong việc chi trả lương cho các nhân viên hợp đồng gồm 2 bảo vệ, 4 lao công và 1 nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, đối với giáo viên hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về việc quy đổi các nhiệm vụ dạy học trực tuyến để chi trả tiền hỗ trợ cho giáo viên. Trong giai đoạn dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, các thầy, cô phải là việc gấp đôi, thậm chí gấp ba bình thường (giai đoạn đầu thí điểm dạy học trực tiếp, một lớp học được tách thành hai phòng, giáo viên luân phiên dạy học ở hai phòng, kết hợp với việc phụ đạo, dạy kèm học sinh yếu, học sinh không thể đến trường học trực tiếp).
Cô Lê Thị Oanh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè thông tin, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp tính đến ngày 12-1-2022 ở tất cả khối lớp đều tăng so với ngày đầu tiên tổ chức (ngày 13-12-2021 đối với khối 9, khối 12 và ngày 4-1-2022 đối với khối 7, 8, 10 và 11).
Hiện nay, địa phương đang thí điểm tổ chức lại hoạt động bán trú tại một đơn vị trường học, sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi mở rộng ở các trường còn lại.
Đối với việc khảo sát ý kiến phụ huynh đồng thuận cho học sinh đi học lại sau Tết Nguyên đán năm 2022, ở bậc mầm non, tỷ lệ đồng thuận cao nhất ở nhóm trẻ 18-24 tháng (76,7%), kế đến là nhóm trẻ từ 24-36 tháng (70,99%), lớp 3-4 tuổi (67,89%) lớp 4-5 tuổi (66,74%) và 64,47% với lớp 5-6 tuổi.
Từ kết quả khảo sát đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Lê Thị Anh Thư đánh giá, tỷ lệ khảo sát phụ huynh đồng thuận cho con đến trường ngày càng cao do an tâm và tin tưởng vào các phương án phòng chống dịch Covid-19 của trường học, học sinh được theo dõi sức khỏe thường xuyên hàng ngày.
Trong đó, tỷ lệ đồng thuận ở các khối lớp của bậc tiểu học khá cao, chỉ có lớp 6 tỷ lệ chưa cao (55,53%) do lứa tuổi này học sinh chưa được tiêm vaccine nhưng có thể ở nhà một mình, tham gia việc học trực tuyến đã ổn định nên chưa có nhu cầu đến trường.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt của địa phương trong công tác phân công và tổ chức, xây dựng các kế hoạch và phương án xử lý tình huống khi có F0 tại các trường học.
Bên cạnh đó, đồng chí cũng nêu ý kiến, hiện nay các trường đã tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp thì nên tính toán các phương án tổ chức bán trú và căn tin vì đây là nhu cầu có thật của phụ huynh và học sinh, đồng thời giải quyết được bài toán hỗ trợ thu nhập cho giáo viên.