Một thời sục sôi
Thật không dễ để tìm một chứng nhân lịch sử của Nam Kỳ khởi nghĩa sau chừng ấy thời gian. Và may mắn cho chúng tôi, khi ở tuổi 96, ông Trương Thành Hỷ, ở ấp Nam Thới, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM vẫn còn rất minh mẫn, kể cho chúng tôi nghe. Những ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ông mới là cậu bé liên lạc 16 tuổi. Thời ấy nghèo đói, ăn uống thường ngày rất đạm bạc. Hôm nào thấy mẹ sửa soạn bữa cơm với món mắm kho thơm lừng, là ông biết sắp có người về nhà mình hội họp.
Ông đã sống trong những ngày mà thanh niên bí mật luyện tập võ nghệ. Những ngày mà già trẻ nôn nóng chờ tiếng súng báo hiệu khởi nghĩa từ Sài Gòn. Tiếng súng hiệu không nổ, nhưng đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, đoàn quân dân vẫn hừng hực tiến vào đánh chiếm dinh quận.
Giờ đây, khi tuổi đời đã ngấp nghé tròn một thế kỷ, ông Trương Thành Hỷ vẫn ngày ngày chầm chậm đạp chiếc xe 3 bánh để nhìn ngắm và tự hào về quê hương đổi mới.
Tại một nơi giàu truyền thống cách mạng khác ở Hóc Môn, ông Trần Văn Nhựt (58 tuổi), người trông coi Nhà truyền thống xã Bà Điểm 10 năm qua như sống cùng những câu chuyện về lịch sử. Đôi mắt ông sáng lên khi nhắc về những ngày cả thôn, cả xã trồng trầu. Nghề này theo thời gian dần mai một. Ông Nhựt sợ lớp người sau sẽ quên đi quá khứ nên mày mò nghĩ cách, đi vận động kinh phí làm sa bàn, sưu tập di ảnh của 51 mẹ Việt Nam anh hùng trong xã để trưng bày tại Nhà truyền thống cho người tham quan dễ theo dõi.
Bà Điểm quê ông, nơi ghi dấu đậm nét của Nam Kỳ khởi nghĩa những năm qua đô thị hóa rất nhanh chóng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt mục tiêu tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Mười tám thôn vườn trầu, phát triển kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp.
Cần cơ chế để phát triển
Trên quê hương cách mạng từng ghi dấu khởi nghĩa Nam Kỳ, những cũ - mới đan xen. Những địa chỉ đỏ là nơi hội họp của Xứ ủy, nuôi giấu chiến sĩ cách mạng năm xưa hiền hòa xen lẫn giữa những vườn cây, nếp nhà.
Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng ở xã Xuân Thới Thượng giờ xanh tươi, khách tới thăm có thể đạp xe dưới những tán cây, ngắm những vạt trầu hàng cau xanh mướt. Mỗi năm, Khu tưởng niệm đón hàng vạn khách đến thăm.
Nơi đây, sau khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp đã dựng lên trường bắn để xử tử những người Việt Nam yêu nước. Khu trường bắn năm xưa từng nhuộm đỏ máu của các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu và gần 1.000 người yêu nước khác, nay bình yên xanh mát bên cạnh vùng đất đang đổi thay từng ngày.
Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên chia sẻ, nếu so với những địa phương khác từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, huyện Hóc Môn dù có nhiều thay đổi vẫn chưa phát triển xứng tầm. Dẫu vậy, cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Hóc Môn vẫn luôn quyết tâm và khát vọng phát triển xứng đáng với bề dày truyền thống lịch sử của quê hương. Từ sau Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, huyện rất quyết liệt trong mời gọi đầu tư. Các nhà đầu tư rất quan tâm đến các lĩnh vực công nghiệp, kho bãi, sinh thái, thương mại dịch vụ…
Ông Trần Văn Khuyên khẳng định, Hóc Môn có đủ điều kiện để phát triển nhanh, đặc biệt là lợi thế về quỹ đất vẫn còn nhiều. Huyện đang rất mong TPHCM và Trung ương tháo gỡ về hạ tầng và tạo điều kiện về cơ chế để có thể “bung sức” phát triển. Huyện có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, đời sống đô thị đã len lỏi khắp nơi. Thực tiễn này cần được công nhận, để phát triển huyện Hóc Môn thành đô thị, bởi nếu tiếp tục duy trì xây dựng nông thôn mới thì khó mà thúc đẩy kinh tế phát triển. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã đề ra định hướng xây dựng Hóc Môn trở thành quận giai đoạn 2021-2030.
Từ cuối năm 1939, tình hình Đông Dương dưới sự thống trị của thực dân Pháp ngày một căng thẳng, ngột ngạt. Tháng 7-1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp tại xã Tân Hương (Mỹ Tho) đã chủ trương khởi nghĩa, bầu đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư Xứ ủy và cử đồng chí Phan Đăng Lưu ra Bắc thống nhất chủ trương cùng khởi nghĩa. Ngày 20-11-1940, Thường vụ Xứ ủy ra lệnh khởi nghĩa vào đêm 22-11. Trưa 22-11, đồng chí Phan Đăng Lưu từ Bắc vào, mang theo chỉ thị của Trung ương hoãn cuộc khởi nghĩa. Nhưng lúc này lệnh khởi nghĩa đã phát đi, không thể hoãn được nữa. Nhân dân các nơi vẫn nhất tề đứng lên. Dù thất bại, song cuộc khởi nghĩa đã gây tiếng vang và sau này như GS Trần Văn Giàu nhận xét, thất bại của Nam Kỳ khởi nghĩa đã để lại kinh nghiệm giúp Cách mạng Tháng Tám ở Nam bộ thành công sau này: “Người đi trước lấy thân mình lót đường cho người tới sau là thế. Thất bại là mẹ thành công là thế”. |