Ông Lê Văn Hưởng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, trước đây ruộng đất trên cù lao Tân Phú Đông canh tác chủ yếu là cây lúa. Do nơi đây hàng năm nước mặn đến rất sớm, nên lúa chỉ trồng được 1 vụ/năm, năng suất thấp. Từ năm 2008, tỉnh Tiền Giang quyết định chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn để Tân Phú Đông thoát nghèo. Ruộng đất trồng lúa chuyển dần sang nuôi tôm và trồng các loại cây chịu hạn mặn tốt, cần ít nước ngọt như sả, mãng cầu xiêm…
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Phú Đông, cây sả ở đây cho chất lượng tốt, cây to, hàm lượng tinh dầu cao, được thị trường trong nước ưa chuộng, đồng thời xuất khẩu ra nước ngoài. Cây sả chịu hạn tốt, ít dùng nước, chi phí phân bón, nhân công chăm sóc thấp và có thể trồng 2-3 vụ/năm; năng suất bình quân 15-17 tấn/ha, lợi nhuận trung bình 70 triệu đồng/ha, cao gấp 3-4 lần trồng lúa. Nhờ đó, đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả. Diện tích trồng sả ở Tân Phú Đông tăng nhanh theo từng năm, từ khoảng 830ha vào năm 2015 lên khoảng 1.900ha đầu năm 2020 và đến cuối năm 2021 là trên 2.800ha, vượt qua diện tích trồng dừa, trồng lúa, mãng cầu xiêm…
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tân Phú Đông, phần lớn diện tích sả được trồng ở huyện đều theo đề án chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng của huyện. Trong đó, những nơi sản xuất rau màu cho năng suất thấp sẽ chuyển sang trồng cây sả. Theo kế hoạch năm 2022, diện tích cây sả có thể lên khoảng 4.000ha. Huyện Tân Phú Đông sẽ tập trung phát triển theo mô hình kinh tế tập thể, vận động nông dân vào hợp tác xã sản xuất theo hướng liên kết với doanh nghiệp nhằm ổn định đầu ra sản phẩm bền vững.