Nội dung buổi làm việc tập trung vào các vấn đề: đánh giá khái quát kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện giai đoạn 2015-2020; việc thực hiện những chương trình, dự án trọng điểm của huyện; những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị; và, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025 từ sau đại hội đến nay.
Đề xuất giảm diện tích đất nông nghiệp
Với tinh thần thẳng thắn, trực diện giải quyết vấn đề, đồng chí Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Củ Chi còn vướng mắc, tồn tại điều gì mà huyện không tự giải quyết được, thì hôm nay, có lãnh đạo TP, có lãnh đạo các sở ngành, đề nghị huyện nói rõ luôn các vướng mắc. Việc gì xử lý ngay được thì xử lý ngay, việc gì chưa xử lý ngay được thì hẹn có mốc thời gian cụ thể, để cùng nhau thực hiện”.
Theo tinh thần thẳng thắn đó, Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho hay, vấn đề thứ nhất Củ Chi đang bức bối là hệ thống giao thông của huyện đang mất an toàn. Củ Chi là địa bàn kết nối các tỉnh miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ nhưng những tuyến đường kết nối lại quá nhỏ. Củ Chi đề nghị TPHCM hỗ trợ huyện quy hoạch lại mạng lưới giao thông để đáp ứng yêu cầu phát triển.
Thứ hai, với tuyến sông Sài Gòn, huyện Củ Chi đề nghị xây dựng ở Củ Chi một cảng sông làm logistics phục vụ các khu công nghiệp ở địa bàn và các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh. Đồng thời, kết hợp làm cảng du thuyền phục vụ du lịch.
Đặc biệt, huyện Củ Chi mạnh dạn đề nghị TPHCM có chủ trương xây dựng thành phố Củ Chi, phát triển Củ Chi theo hướng đô thị vệ tinh của TPHCM trên cơ sở liên kết 3 quận, huyện (huyện Củ Chi, Hóc Môn và quận 12).
Trình bày bổ sung các đề xuất với TPHCM, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú kiến nghị TPHCM cho phép chuyển phần diện tích đất nông nghiệp từ 31.400 ha xuống còn 14.500 ha, theo lộ trình giảm phần diện tích khoảng 17.000 ha trong 10 năm.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài Phú phân tích, diện tích Củ Chi rộng gần bằng 19 quận còn lại của TPHCM. Tuy nhiên, cả huyện có tới 76% là đất nông nghiệp. Trong khi 1 ha đất công nghiệp tạo ra giá trị 42 tỷ đồng/năm thì 1 ha đất nông nghiệp tại Củ Chi chỉ tạo ra 500 triệu đồng.
Đối với dự án Thảo Cầm viên mới (SAFARI), đồng chí đề nghị TP mời gọi nhà đầu tư có năng lực thực hiện sự án, sớm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, tránh để đất hoang hóa kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.
Sự phát triển ở Củ Chi phải gắn trách nhiệm với TPHCM
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên hoan nghênh huyện Củ Chi, sau đại hội đã khẩn trương triển khai thực hiện các chương trình hành động bằng các chương trình nhánh, “giải mã” được các việc cần làm, thể hiện tinh thần trách nhiệm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Về định hướng phát triển huyện Củ Chi thời gian tới, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng cần được thực hiện thận trọng, tính toán kỹ những nội dung trước mắt, hiện tại và lâu dài. Là một huyện nằm ở khu vực cửa ngõ Tây Bắc của TPHCM, trong quá trình phát triển, huyện Củ Chi phải khẳng định được vị trí, vai trò, nhiệm vụ chính trị và sứ mệnh của mình với TP.
“Cũng như ngày xưa, trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Củ Chi chiến đấu không chỉ cho riêng Củ Chi, thì ngày nay cũng vậy. Củ Chi mong muốn phát triển là đúng, nhưng cần hết sức bình tĩnh để quy hoạch Củ Chi là Củ Chi chứ không phải là một nơi nào khác”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Đồng chí lưu ý, khi quy hoạch, Củ Chi cần lưu ý tính toán hành lang chung, hệ thống giao thông, công nghiệp, đô thị, logistics phải phù hợp với hành lang phía Bắc của TPHCM. Củ Chi cũng phải là một vành đai, là mảng xanh luôn xanh hơn nơi khác.
Diện tích của huyện Củ Chi lớn bằng diện tích của 19 quận khác của TPHCM cộng lại, theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, đây là tiềm năng rất lớn, cần tính toán kỹ lưỡng việc khai thác sử dụng hiệu quả nhất. Trong đó, cần giữ được mảng xanh, phát huy được lợi thế về sông nước, du lịch, đô thị sinh thái.
Việc phát triển cũng phải gắn với không gian về lịch sử, văn hóa, đời sống tinh thần người dân Củ Chi; chú trọng tôn tạo, giữ gìn, tái tạo những giá trị truyền thống đặc trưng của huyện.
Trong công tác xây dựng Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên lưu ý, khi sai thì phải xử lý, nhưng điều quan trọng là công tác phòng ngừa sai phạm. Theo đồng chí, các quy định có đủ, nhưng nơi này nơi khác vẫn còn vướng mắc, là do sự lãnh đạo chỉ đạo ở nơi đó còn có sự chủ quan. Cần rà soát và thực hiện đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, muốn cán bộ không sai phạm, thì phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Người cán bộ phải mẫu mực, đảng viên phải đi trước. Đặc biệt, mỗi đảng viên trước khi nhận nhiệm vụ phải có chương trình hành động, như lời cam kết để chi bộ theo dõi, MTTQ, HĐND giám sát; và tổ chức Đảng đánh giá.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Nếu mỗi người làm đúng điều cam kết của mình, làm đúng phận sự của mình theo quy định chức trách được giao; nếu ai làm đúng việc nấy và làm tốt việc nấy, thì gia đình sẽ tốt, tổ chức sẽ tốt, cơ quan sẽ tốt, xã hội sẽ tốt và nếu có sai phạm cũng dễ phát hiện, kịp thời xử lý”.
Đồng chí tin tưởng huyện Củ Chi có thể làm được và mong Củ Chi tiên phong làm được điều đó.
* Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM NGUYỄN THANH NHÃ Huyện Củ Chi và Cần Giờ có chức năng quan trọng là phát triển mảng xanh của TPHCMHuyện Củ Chi, Hóc Môn và quận 12 là “khớp nối” TPHCM với tỉnh Tây Ninh và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, khu vực này không giống như phía Đông TPHCM có thế mạnh về công nghiệp, mà ngược lại, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ có chức năng quan trọng là duy trì, phát triển không gian xanh của TPHCM. Hiện nay, việc phát triển cây xanh trong nội thành rất khó và ngoại thành đang phải “gánh” chức năng phát triển mảng xanh cho thành phố. Với tính chất như vậy, quy hoạch tại Củ Chi có thể điều chỉnh, nhưng không thể đột phá thành đô thị 100% được. |
* Giám đốc Sở GT-VT TPHCM TRẦN QUANG LÂM 3 tuyến đường ưu tiên thực hiện ở huyện Củ ChiViệc phát triển giao thông tại Củ Chi là cần thiết để thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển. Các tuyến đường đang được ưu tiên để thực hiện là Vành đai 3, Quốc lộ 22, cao tốc TPHCM – Mộc Bài nhằm đảm bảo giao thông kết nối với các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An. Một số tuyến đường hiện hữu của huyện Củ Chi đang nhỏ. Thay vì mở rộng các tuyến đường hiện hữu với chi phí cao do phải đền bù nhiều, thì việc mở đường mới có nhiều lợi thế hơn, vừa tăng mạng lưới, phát triển hạ tầng, vừa giảm chi phí đền bù. |