Sau khi Báo SGGP liên tiếp có các phản ánh dấu hiệu lạm quyền trong phòng chống dịch xảy ra tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 huyện Cát Tiên, trước đó ngày 17-12, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết, Ban Chỉ huy phòng chống dịch bệnh Covid-19 địa phương đã chấn chỉnh công tác tại các chốt này.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều bạn đọc gửi đến Báo SGGP, đến nay, việc đi lại của người dân vẫn còn gặp không ít những rắc rối.
Bạn đọc Tue An cho rằng: “Ông chủ tịch hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều, nói sửa từ hồi nào rồi mà giờ vẫn y như cũ, có sửa gì đâu”.
Một bạn đọc khác thì cho rằng: “Huyện không chấp nhận giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực và bắt phải đóng tiền và làm xét nghiệm lại. Chủ tịch huyện trả lời thế nhưng cho đến tối ngày 17-12 (sau khi chủ tịch huyện trả lời Báo SGGP) thì chốt ở huyện vẫn không công nhận giấy xét nghiệm âm tính ở nơi khác. Người dân về từ vùng 1, 2 vẫn phải bắt buộc bị đóng tiền làm xét nghiệm trước khi vào huyện. Vào huyện vẫn phải cách ly và vẫn phải xin chủ tịch xã. Chủ tịch xã đồng ý mới được vào. Vẫn còn quá nhiều bất cập và lạm dụng từ phía chính quyền huyện”.
Còn bạn đọc Võ Trọng Hữu thẳng thắn: “Xin huyện trả lời và ra văn bản cụ thể để dân được biết và làm theo, chốt trực làm rất sai và đôi chỗ rất xa Nghị quyết 128 của Chính phủ. Người về từ "vùng xanh" vẫn yêu cầu giấy xét nghiệm, cần có bảo lãnh từ nơi cư trú ở địa bàn thì mới được vô, gây rất nhiều bất cập”.
“Sao gia đình tôi từ quận 2, TPHCM về Cát Tiên bị bắt đóng tiền xét nghiệm tại chỗ nữa vậy? Và còn bị cách ly 14 ngày dù kết quả xét nghiệm âm tính! Ông Chủ tịch huyện Cát Tiên có biết việc này không? Hay ông bảo cấp dưới của ông lộng hành, không nghe lời ông?”, bạn đọc Bích Trâm bức xúc.
Trong khi đó, bạn Phan Cường cho biết: “Ngày 18 và 19-12, vẫn không thay đổi và còn rất nhiều bất cập như: Vào huyện vẫn cần giấy test không cần biết vùng nào. Có sự đồng ý của chủ tịch thị trấn, xã đồng ý thì mới được vào. Và liên lạc với số điện thoại được cung cấp không bắt máy thì đứng đó đợi, đợi tới khi nào “được” nghe máy thì thôi. Vận tải hàng hóa yêu cầu giấy test bất kể nơi nào về. Thái độ cán bộ tại chốt kiểu mệnh lệnh, trịch thượng. Mong quý báo xác minh lại lời nói chủ tịch huyện nói và đưa tin cho cả nước biết về cách chống dịch ở huyện Cát Tiên”.
Ngày 20-12, trao đổi làm rõ những thông tin bạn đọc phản ánh, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết sẽ chỉ đạo các chốt không kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 đối với người đi từ các vùng không nằm trong diện phải có giấy xét nghiệm.
Còn những trường hợp người từ địa phương khác về huyện Cát Tiên phải được “bảo lãnh” từ xã, thị trấn, ông Phúc chia sẻ: “Đã có những trường hợp đi vào địa phương nhưng không khai báo hoặc sang ngày hôm sau mới khai báo tại trạm y tế xã, thị trấn. Sau khi được xác định là F0 thì đã tiếp xúc với rất nhiều người tại địa phương, gây khó khăn trong công tác truy vết, phòng chống dịch tại đây”.
Trong Quy định tạm thời đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tỉnh Lâm Đồng, tỉnh này quy định người từ tỉnh, thành phố khác đến/về tỉnh Lâm Đồng phải đăng ký với chính quyền địa phương (UBND xã, phường, thị trấn) để được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Người dân khai báo y tế trung thực và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh do khai báo không trung thực.
Rõ ràng việc “chặn” người dân ngay từ cửa ngõ như cách huyện Cát Tiên đang làm đã đi ngược với các quy định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.
Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12-10-2021 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ. |