Huyện Bình Chánh (TPHCM): Kiên quyết xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường

Nhờ triển khai quyết liệt, xuyên suốt và linh hoạt các giải pháp, đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất gây ra ở huyện Bình Chánh (TPHCM) đã chuyển biến tích cực. Nhiều “điểm nóng” ô nhiễm môi trường đã được chuyển hóa, số lượng cơ sở gây ô nhiễm giảm đáng kể, qua đó góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.

Chuyển hóa nhiều “điểm nóng”

Chỉ tay về phía khuôn viên quán rộng cả ngàn mét vuông, có nhiều bàn ghế, hồ cá, chị Đỗ Thị Quyên, quản lý quán ăn - cà phê Hội Ngộ (trên đường Lại Hùng Cường, ấp 60, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) cho biết, dù quán được đầu tư quy mô nhưng 3 tháng trước, chủ quán phải đóng cửa.

C4a.jpg
Cơ sở tái chế nhôm của ông Đỗ Tuấn Sơn ở ấp 54, xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) bị cưỡng chế do gây ô nhiễm môi trường

Theo chị Quyên, lý do quán ngưng bán một thời gian là do cách quán chừng 100m, Công ty TNHH Đầu tư và Sản xuất nhựa 01 liên tục thải mùi hôi, gây ô nhiễm không khí. “Nhiều khách đến quán, chưa gọi nước đã bỏ đi vì mùi hóa chất cứ xộc vào mũi”, chị Quyên kể. Tuy nhiên, đó là nỗi khổ của những tháng trước, còn hiện nay, không khí đã trong lành, quán mở cửa trở lại và rất đông khách. “Cảm ơn chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt. Ngay khi tiếp nhận phản ánh của người dân, cán bộ môi trường và lãnh đạo xã đã xuống kiểm tra. Đến nay, cơ sở gây ô nhiễm đã dời vào khu công nghiệp hoạt động”, chị Quyên bày tỏ.

Ông Lê Thành Hải, cán bộ môi trường của UBND xã Vĩnh Lộc B, cho biết, Công ty TNHH Đầu tư và Sản xuất nhựa 01 là 1 trong 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nặng trên địa bàn xã đã ngưng hoạt động, hoặc di dời vào khu công nghiệp để hoạt động từ đầu năm 2023 đến nay. Đây là kết quả của quá trình lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương kiên trì tiếp xúc, vận động chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Dù vậy, không phải chủ cơ sở nào cũng đồng ý di dời sau khi được chính quyền vận động. “Thực tế có nhiều chủ cơ sở hứa di dời, sau đó vẫn sản xuất và tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí có cơ sở bị phạt hành chính vẫn không đóng phạt, sau đó đối phó với chính quyền bằng cách đổi pháp nhân công ty. Với những trường hợp này, xã phối hợp Phòng TN-MT lập hồ sơ, tham mưu UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế”, ông Hải thông tin.

Mới đây, lực lượng chức năng huyện Bình Chánh đã tổ chức cưỡng chế cơ sở tái chế nhôm phế liệu của ông Đỗ Tuấn Sơn ở ấp 54, xã Vĩnh Lộc B. Theo Phòng TN-MT huyện Bình Chánh, trong quá trình hoạt động, cơ sở này thường xuyên phát tán khói đen, bụi tro xỉ ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng ngàn hộ dân trong khu vực. Sau nhiều lần nhắc nhở, vận động nhưng chủ cơ sở và chủ đất (cho chủ cơ sở thuê mặt bằng, công trình) không khắc phục, chính quyền địa phương đã tiến hành cưỡng chế cơ sở.

Việc UBND xã Vĩnh Lộc B kiên quyết xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm môi trường nêu trên đã nhận được sự đồng tình rất lớn từ người dân. “Thoát cảnh bị “tra tấn” bởi khói đen, bụi nhôm, tro xỉ của cơ sở nấu nhôm, người dân trong ấp rất vui mừng. Cảm ơn chính quyền địa phương đã vào cuộc kịp thời, nếu để cơ sở hoạt động kéo dài, hậu quả e khó lường”, ông Thành (nhà ở gần cơ sở tái chế nhôm phế liệu) chia sẻ.

Kiên quyết xử lý

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), cho biết, hiểu rõ hậu quả, tác động do ô nhiễm môi trường gây ra, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã đã chủ trương không để hình thành mới các cơ sở sản xuất “nhạy cảm” với môi trường (nhuộm, ó keo, tái chế phế liệu) trên địa bàn. Tất cả các cơ sở sản xuất khi đăng ký hoạt động tại xã phải cam kết không gây ô nhiễm môi trường. Đối với cơ sở đã hình thành trước đây, địa phương đang từng bước xử lý và quyết tâm xử lý dứt điểm. Từ năm 2022 đến nay, địa phương đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính hơn 300 cơ sở sản xuất có hành vi gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, chôn lấp chất thải trái phép, với tổng số tiền phạt gần 4 tỷ đồng; di dời 85 cơ sở.

Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B Nguyễn Thị Kim Tuyến, công tác xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường gặp nhiều khó khăn: một số hành vi vi phạm có mức xử phạt nhẹ, trong khi lợi nhuận của các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm cao, nên nhiều cơ sở không “ngán” phạt; nhiều cơ sở khi bị xử phạt đã thay đổi pháp nhân, không đóng tiền phạt… “Để việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, UBND xã Vĩnh Lộc B đang rà soát, tổng hợp, phân loại mức độ và có giải pháp cụ thể với từng trường hợp. Những trường hợp có mức độ vi phạm nặng sẽ xử lý trước, từng bước tiến tới xử lý dứt điểm. Các bước, thủ tục xử lý cơ sở gây ô nhiễm được địa phương làm chặt chẽ, có lộ trình, chậm nhưng chắc, không để phát sinh khiếu nại”, bà Tuyến cho hay.

Ông Huỳnh Cao Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, thông tin, ngoài xã Vĩnh Lộc B, huyện cũng đang chỉ đạo Phòng TN-MT phối hợp với các xã còn lại trên địa bàn huyện (nhất là các xã có số lượng cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nhiều như Vĩnh Lộc A, Tân Nhựt, Lê Minh Xuân…) thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để tiến tới xử lý triệt để các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trên địa bàn. Ngoài vận động, tuyên truyền, xử phạt vi phạm hành chính, cắt điện, cưỡng chế công trình, thời gian tới huyện sẽ xử lý hình sự đối với các chủ cơ sở cố tình vi phạm, để vi phạm tồn tại kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tin cùng chuyên mục