Ngày 12-3, đoàn công tác của UBND TPHCM do đồng chí Lê Hòa Bình, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM dẫn đầu, có buổi làm việc duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2021 của UBND huyện Bình Chánh.
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đào Gia Vượng cho biết, năm 2020, kinh tế huyện tiếp tục phát triển, tổng giá trị sản xuất đạt hơn 67.200 tỷ đồng (tăng 18,5% so với năm 2019). Huyện đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 60 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, giảm 265 trường hợp so với năm 2019.
Năm 2021, huyện Bình Chánh phấn đấu thu ngân sách đạt hơn 2.000 tỷ đồng; tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 625.304 m2 và duy trì diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 21,7 m2/người.
Tại buổi làm việc, huyện Bình Chánh kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận) cho các hộ gia đình, cá nhân được bố trí tái định cư trong dự án thương mại. Các dự án đang vướng mắc là chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, chưa thu hồi Giấy chứng nhận của chủ sử dụng đất cũ, chưa xác định được diện tích bồi thường đất do nhà nước trực tiếp quản lý…
Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cũng đề xuất UBND TPHCM cho phép huyện được thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác như tại huyện Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè.
Liên quan đến các dự án chậm triển khai, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đào Gia Vượng đề xuất các sở, ngành sớm tham mưu UBND TPHCM xác định các tiêu chí để xử lý, thu hồi đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện.
Một vấn đề khác được Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nêu ra là việc thực hiện quy hoạch trên địa bàn huyện có nhiều bất cập. Huyện kiến nghị UBND TPHCM cho phép huyện được áp dụng Đồ án quy hoạch phân khu, Đồ án quy hoạch nông thôn mới đã được duyệt để làm cơ sở giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân (cấp giấy chứng nhận, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, tách thửa đất…) và cập nhật vào quy hoạch chung điều chỉnh trong thời gian tới.
Bài học lớn về quản lý đất đai, trật tự xây dựng
Tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Trần Hoàng Quân chia sẻ, thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TPHCM (gọi tắt là Chỉ thị 23), bài học lớn nhất của huyện Bình Chánh là công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Năm 2020, qua 2 đợt thanh kiểm tra, huyện đã phải thi hành kỷ luật và phê bình 277 đồng chí. Có nhiều vướng mắc nên đa số các kiến nghị của huyện liên quan đến đất đai, quy hoạch và rất mong được TPHCM xem xét, tháo gỡ.
Bí thư Huyện Bình Chánh cho hay, diện tích tự nhiên của huyện Bình Chánh lớn hơn diện tích TP Thủ Đức và 70% là đất nông nghiệp, không thể cấp phép xây dựng trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn. Các tuyến đường cũng là đường nông thôn, không có lề đường và hệ thống thoát nước nên xảy ra tình trạng ngập nước vì dân cư tập trung nhiều.
Trong khi đó, một khó khăn rất lớn của huyện Bình Chánh là về bộ máy quản lý. Huyện Bình Chánh có dân số đông (trên 744.000 người), nhiều xã đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh. Trong đó, xã Vĩnh Lộc A có gần 128.000 dân, xã Vĩnh Lộc B có hơn 129.000 dân, xã Bình Hưng có hơn 101.000 dân. Dân số của mỗi xã gấp 3 lần dân số bình quân ở các phường trên địa bàn TPHCM và hồ sơ hành chính cũng tăng tương ứng. Trong khi đó, cuối năm 2020, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện phải giảm cán bộ không chuyên trách từ 381 người xuống còn 224 người (giảm trung bình 9 người/xã).
“Các xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số tương đương một quận mà cán bộ lại giảm, đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý trên địa bàn, nhất là công tác quản lý về đất đai, trật tự xây dựng. Huyện đề nghị TPHCM xem xét tháo gỡ, cho phép các xã có đông dân được ký hợp đồng lao động từ 5-10 người, từ nguồn kinh phí thực hiện không tự chủ ngân sách xã hàng năm”, Bí thư Huyện Bình Chánh Trần Hoàng Quân bày tỏ.
Nhất định không để ách tắc việc của dân
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của huyện Bình Chánh.
Nhất trí với kế hoạch và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bình Chánh, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình gợi mở một số nội dung mà huyện Bình Chánh cần tập trung trong năm 2021.
Đánh giá huyện Bình Chánh là địa bàn có diện tích và dân số quy mô lớn, lại đối diện với nhiều thách thức, đồng chí Lê Hòa Bình yêu cầu huyện bám sát chủ đề năm của TPHCM - năm Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, liên quan đến phát triển đô thị, huyện Bình Chánh cần tăng cường quản lý trật tự xây dựng, rà soát và hoàn thiện quy hoạch; cần vận động sự tham gia, đồng thuận của 744.000 người dân trong huyện nói “không” với xây dựng không phép.
Với 70% diện tích là đất nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoà Bình nhận xét, huyện Bình Chánh có nhiều thách thức trong quản lý, nhưng đây cũng là cơ hội cho huyện tăng tốc phát triển nếu phát huy nguồn lực đất đai và điều chỉnh quy hoạch phù hợp với sự phát triển thực tế của huyện. Trong quá trình đó, đồng chí lưu ý huyện Bình Chánh không để người dân phải chờ đợi lâu. Nếu có khó khăn, vướng mắc, huyện cần đề xuất thẳng với UBND TPHCM và TPHCM sẽ giao sở, ngành tham mưu tìm giải pháp, nhất định không để ách tắc việc của dân. Đồng thời, huyện cần đề xuất các hạng mục mang tính đột phá cho sự phát triển của huyện.
Cùng với tăng cường thực hiện Chỉ thị 23 và Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TPHCM sạch và giảm ngập nước”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình yêu cầu trong năm 2021, huyện Bình Chánh cũng cần chú trọng thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TPHCM.