Tham dự chương trình có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM…
Dịp này, Đảng bộ chính quyền và nhân dân huyện Bình Chánh cũng vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng 3 do Chủ tịch nước tặng, do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cả nước xây dựng nông thôn mới.
Tại buổi lễ, TPHCM cũng trao chứng nhận cho 27 sản phẩm của 11 đơn vị đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) năm 2021.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chúc mừng và biểu dương kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Chánh đạt được trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua. Đồng chí đề nghị huyện phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 có ít nhất 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, góp phần cùng TPHCM hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Về chương trình mỗi xã một sản phẩm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, Chương trình bắt nguồn từ Nhật Bản, đến nay có hơn 40 nước trên thế giới áp dụng. Mục tiêu là nhằm phát triển sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trong nước, quốc tế, góp phần phát triển nông thôn.
TPHCM đến nay đã có phân hạng với 28 sản phẩm, trong đó 27 sản phẩm đạt 3-4 sao, một sản phẩm đang được xem xét. Phó Chủ tịch UBND đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu ban hành đề án chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025 theo hướng mở rộng phạm vi thực hiện ra các quận nội thành và TP thủ Đức. Các Sở KH-CN, Sở Công thương, Sở TT-TT, các địa phương cùng hỗ trợ để kết nối, phát triển các sản phẩm OCOP.
Theo đồng chí, Chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới có mối quan hệ mật thiết, tác động hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển đi lên của nông thôn và kinh tế nông nghiệp. Do vậy OCOP được Chính phủ xác định là giải pháp quan trọng để phát triển toàn diện các địa phương.
“Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo thành phố tin tưởng huyện Bình Chánh sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, trở thành đô thị nông nghiệp sinh thái, đô thị vệ tinh TPHCM trong tương lai”, đồng chí Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TPHCM, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Trần Văn Nam khẳng định sẽ coi việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt phải thực hiện.
Năm 2010, huyện Bình Chánh bắt tay xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, chỉ đạt 5/19 tiêu chí. Quy hoạch chưa được phê duyệt, hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, y tế chưa đồng bộ, sản xuất công nghiệp, dịch vụ nhỏ lẻ, nông nghiệp truyền thống chủ yếu trồng lúa và mía, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 10,5%, thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 17 triệu đồng/người/năm… Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của người dân Bình Chánh đạt hơn 69 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 4 lần so với năm 2010. Huyện cũng không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. |