Huyền bí Khe Nước Rụng

Tôi được anh em người Mày ở xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) mời về địa danh “Khe Nước Rụng”, nơi tận cùng của đất và trời theo cách nghĩ của họ. Lạ lùng, nước thì phải chảy chứ sao phải rụng? Ấy vậy mà tộc người Mày đã rất thông thái khi nói “nước rụng” trên đỉnh Copi cao 2.017m.
Vùng Khe Nước Rụng
Vùng Khe Nước Rụng

Dưới bóng Giăng Màn

Bản Ka Ai ở xã Dân Hóa cách quốc lộ 12A chừng 5km, đó là nơi tộc người Mày sinh sống xa nhất. Trong cổ tục xa xưa truyền lại, Khe Nước Rụng là địa danh thiêng liêng mà bất cứ người Mày nào lớn lên cũng hành hương về đây một lần trong đời. Theo Hồ Phàm: “Dân ở đây chỉ dùng từ “nước rụng” ở Khe Nước Rụng, còn rời khỏi chốn đó thì dùng nước sông, nước suối... vì ở đó là đầu nguồn sông Gianh. Trên cao hơn là đỉnh Copi với độ cao 2.017m so với mực nước biển có vô số giọt “nước rụng” xuống tạo thành suối và thác nước, ấy là ngọn nguồn đầu tiên của sông Gianh mà dân trong vùng gọi là Rào Nậy, tức nguồn lớn của con sông linh thiêng. Đây là nơi theo truyền thuyết cha ông người Mày chúng tôi truyền khẩu, đất trời gặp nhau, tận cùng thế giới, chốn thần tiên không có nơi thứ hai”.

Muốn đến Khe Nước Rụng, phải có người bản địa dẫn đường. Thức dậy từ khi tiếng gà rừng vừa gáy sớm, Hồ Phàm đã cùng một số thanh niên làm lễ xin thần rừng vào chốn sâu thẳm. Tôi lon ton đi theo như đứa trẻ mới lớn lần đầu được chạm đất thiêng của người anh em vùng cao. Một con đường nhỏ cuối bản đủ bàn chân người men theo lưng vách núi, dưới kia là tiếng nước suối chảy réo sâu vực thẳm. Khi trời hửng sáng, đủ tiếng chim hót vang cả núi rừng, có mấy đàn voọc núi đá chuyền cành, xa xa có tiếng loài vượn Siki hót đánh dấu lãnh thổ. Đi từng đoạn, Hồ Phàm dừng lại trước các dấu chân rất mới của con nai, con mang hay nhiều dấu chân lợn rừng cày đất từ mấy hôm trước. 

Rặng Giăng Màn lên bóng trong ánh nắng mùa hạ như màu đồng lên bóng đen lâu năm. Đó là dãy núi đá vôi hùng vĩ cuối cùng của hệ thống núi Bắc Trường Sơn. Tôi nhớ có lần đọc được tài liệu về những người Pháp đầu tiên lên đến đây để tìm giọt nước đầu nguồn sông Gianh trên núi Copi. Tiếp đến, các nhà thám hiểm người Đức cũng lên để tìm cách mở con đường làm cáp treo cho người Pháp trong chương trình bồi thường chiến phí chiến tranh thế giới lần thứ nhất. 

Trong chuyến đi lần này, Hồ Phàm và dân bản đi cùng có thêm nhiệm vụ bảo vệ khu rừng nguyên sinh hoang dã ít dấu chân người. Đây là cánh rừng lớn toàn cây cổ thụ cao vút, các tán rừng nhiệt đới chưa bị tác động tiêu cực nên có hệ động vật phong phú. Lần đầu tiên thấy khu rừng này, tôi ngạc nhiên vô cùng bởi rừng xanh, núi cao được anh em người Mày giữ gìn toàn vẹn như thế. Những vách núi đá vôi dựng đứng của Giăng Màn nhìn xa nhấp nhô, càng đến gần càng thấy vững chãi và đồ sộ quá sức tưởng tượng với một người như tôi. Đây là khu rừng lọt thỏm giữa núi đá vôi, lại là nơi đầu nguồn nước nên được giữ bí mật tốt nhất.

Một góc bản dân tộc Mày bên núi


Rừng lội… giữa sông

Gần trưa, nắng bốc lên đi mệt bở hơi tai. Hồ Phàm cho dừng lại nghỉ ngơi ở bìa một rừng cây lội thuần chủng ngay giữa sông Gianh. Tôi cứ thắc mắc, rừng phải mọc ở 2 bên sông suối, chứ cớ sao chốn này có cả một rừng lội hùng vĩ mọc lên giữa lòng sông lạ kỳ đến vậy? Cây lội nhỏ, lội vừa, lội lớn, lội vài vòng tay người ôm mọc la liệt giữa bãi chi chít đá lớn, đá nhỏ, đá cuội đến đá ông, đá bà, đá con, đá cháu. Không có bất cứ mảng đất nào trên đá nhưng cây lội vẫn sừng sững vươn vai thành rừng già cổ thụ. Hồ Phong đi theo kể: “Chỉ có nước mới giúp cây lội sinh sống, nên rễ của chúng ôm lấy đá, chạy sâu xuống các khe hở, tỏa ra chằng chịt giữa sông; gặp lũ có lớn mấy, cây lội vẫn đứng vững”. 

Cây lội mọc lừng lững thế, nhưng cây nào cũng “bị thương” vì nước cuốn đá đâm vào thân cây. Có gốc lội quá to, đá đâm vào hỏng thân, nước cuốn đá va mạnh, xoáy cả nửa thân, nhưng cây vẫn rêu mốc đứng vững. Cả rừng lội rộng chừng 2.000m2, đã sống qua ngàn vạn năm. 

Nghỉ trưa một lúc, đoàn người lại đi, rồi trèo lên từng vỉa đá tròn nhẵn, có nơi sắc nhọn. Mùa hè nước chảy dưới các kẻ đá, qua đoạn này Hồ Phàm nói là nước “biến” vào đáy sông. Càng đi lòng sông càng hẹp dần, đến xế chiều, chạm mặt tiếng nước đổ xối xả. Hồ Phàm bảo không được nói nước chảy mà phải nói “nước rụng” để thần nước, thần rừng không quở phạt. Lúc đó chúng tôi đã chạm đến địa danh “Khe Nước Rụng” trong truyền thuyết của người Mày. Từ trên các đỉnh núi dựng đứng hai bên, vô số giọt nước “rụng” xuống, mây bốc lên, chen lẫn giữa tầng không gian tạo ra bức màn giăng mờ huyền ảo như chốn thần tiên. Phía xa có thác nước chảy mạnh, ấy là thác Nước Rụng. Hồ Phàm kể: “Thác nước này rụng từ đỉnh Copi, có hàng tỷ giọt nước từ 2 bên núi rụng xuống là nguồn tinh khiết nhất tạo ra sông suối đầu tiên của dòng sông Gianh nên ai cũng xem chốn này như đền thờ thần của dân bản. Con trai, con gái người Mày phải một lần trong đời đến đây tắm dòng nước rụng cho có thêm sức mạnh, thêm tinh thần, thêm trí khôn”. Và tôi cũng được tắm một lần trong đời giọt nước rụng tinh khiết đó với cái mát như vô biên khi Hồ Phàm cho phép.

Tộc người Mày thuộc nhóm dân tộc Chứt. Người Mày có khoảng hơn 500 nhân khẩu, sống cùng các tộc người khác ở 2 xã Trọng Hóa và Dân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Họ có tiếng nói riêng, văn hóa riêng, lễ tục riêng.

Núi rừng nuôi khôn lớn 


Sâu trong hệ Giăng Màn, nhiều người già nhất kể, các dãy núi kéo dài từ Cha Lo - Mụ Dạ về Khe Xon - Khe Vàng có các cổ núi Tồông Vốôc, Ku Lôông, Y Răng, Y Hơn… đều là các vị thần lừng lẫy nuôi nấng bản ngả người Mày. Tất cả hợp lại, tạo thành vị thần thiêng liêng cai quản cương vực vùng đồng bào Mày gọi là Giang Bra (thần của các vị thần). Trong nếp nhà của anh em người Mày đều thờ cúng thần vật tổ Giang Bra. Nhưng vị thần họ thường nhắc đến nhiều nhất là thần Ku Lôông. Vị thần này cho người Mày nhiều thứ để giữ gìn cương thổ, cho người Mày có cách nhìn của con đại bàng trên núi cao cạnh Khe Nước Rụng nhằm tạo nên thần đất (Ku Téc).  

Người Mày rất quý nước, nhất là nước đầu nguồn. Họ ý thức rất rõ thứ tài nguyên vi diệu này với cuộc sống không chỉ của họ mà còn với bao người anh em ở phía giữa nguồn và cuối nguồn sông Gianh. 

Tôi hỏi Hồ Phàm: “Con trai, con gái người Mày phải tắm dòng nước rụng cho có thêm sức mạnh, thêm tinh thần, thêm trí khôn để làm gì?”. Ông cười lớn xem tôi như đứa trẻ và vuốt đầu giải thích: “Sức mạnh ngày xưa để chiến đấu, tinh thần phải dẻo dai vượt qua muôn vàn khó khăn, còn trí khôn để bảo vệ bản làng. Còn ngày nay, sức mạnh thì bảo vệ rừng, tinh thần để cảnh giác, trí khôn để nghĩ kế làm ăn xa cho hậu thế bền vững”. Nghe vậy, tôi đoán chắc, nơi một lần phải đến trong đời của người Mày thật không uổng công, bởi họ vẫn hay hát: “Tôi đã được núi rừng nuôi tôi khôn lớn”.

Tin cùng chuyên mục