Nơi chưa quy chủ, nơi bị lấn chiếm
Tuy nhiên, do việc quản lý đất đai ở huyện Bắc Bình còn lỏng lẻo, chồng chéo; tình trạng lấn, chiếm, tranh chấp, khiếu kiện đất đai diễn ra phức tạp, khiến hàng loạt nhà đầu tư “đau đầu”.
Chúng tôi có mặt tại xã Hồng Phong (huyện Bắc Bình), nơi tập trung nhiều dự án điện gió, điện mặt trời được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII và phục vụ cho Quy hoạch điện VIII quốc gia sắp tới, đất đai nơi đây đa phần bị bạc màu, hoang hóa. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tìm đến vùng đất này, mong mỏi được triển khai các dự án điện gió, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, nhiều nhà đầu tư tỏ ra e ngại, thậm chí mất kiên nhẫn, khi nhiều vùng đất chưa được quy chủ (đất hoang), xảy ra tình trạng tranh chấp, khiếu kiện.
Điển hình tại thôn Hồng Thịnh (xã Hồng Phong), khoảng 379ha diện tích đất trong thôn đến nay vẫn chưa xác định được do ai sở hữu, quản lý. Theo tìm hiểu, khu vực đất này trước đây do UBND xã Hồng Phong quản lý và 47 hộ dân địa phương canh tác xâm canh. Năm 2011, có 14 cá nhân ngoài địa phương đề nghị đầu tư dự án nông lâm kết hợp trên diện tích 379ha. Đến năm 2012, UBND huyện Bắc Bình có quyết định thu hồi diện tích tại khu vực trên để giao cho 14 cá nhân thuê. Tuy nhiên, sau đó 14 cá nhân này không triển khai dự án nên UBND huyện Bắc Bình lại ban hành văn bản thu hồi các quyết định cho thuê đất đối với dự án nông lâm kết hợp, đồng thời hủy bỏ các quyết định thu hồi đất đối với 47 hộ dân địa phương. Từ đó đến nay, khu vực đất này vẫn đang nhập nhằng, chưa xác định được tính pháp lý để quy chủ đất.
Chưa hết, kể từ khi khu vực này nằm trong quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời, một số doanh nghiệp có ý định đầu tư lại tiếp tục đối mặt với nhiều rắc rối. Một nhà đầu tư chia sẻ: “Chúng tôi nhiều lần liên hệ với chính quyền địa phương để xác định tính pháp lý của khu đất để triển khai các bước đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời, nhưng gần 5 năm qua vẫn chưa có kết quả. Điều này khiến các nhà đầu tư vô cùng lúng túng”.
Không chỉ tại khu vực trên, hiện nhiều dự án trên địa bàn huyện Bắc Bình gặp khó khi triển khai vì xảy ra tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai, công tác quy chủ đất chậm. Thanh tra tỉnh Bình Thuận vừa cho biết, huyện Bắc Bình có tới 8 dự án sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đã xảy ra tình trạng đất đai bị lấn chiếm, tranh chấp, làm phát sinh đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Cụ thể, 8 dự án có tổng diện tích gần 8.000ha, đã bị lấn chiếm gần 2.400ha. Do vậy, Thanh tra tỉnh Bình Thuận cảnh báo: “Việc tranh chấp đất đai giữa các dự án và người dân nếu không xử lý dứt điểm, kịp thời, đúng pháp luật, dễ dẫn đến xung đột giữa các chủ dự án và người dân, có nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại các địa phương”.
Chấn chỉnh để thu hút đầu tư
Thanh tra tỉnh Bình Thuận nhận định, tình trạng tranh chấp đất đai giữa người dân với chủ dự án tại nhiều dự án ở huyện Bắc Bình diễn ra phức tạp, chủ dự án không thỏa thuận, đền bù, giải phóng mặt bằng được. Nguyên nhân là do các ngành liên quan và các địa phương chưa thật sự tích cực, thiếu kiên quyết, hiệu quả chưa cao. Những hạn chế, thiếu sót nêu trên, trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình và trách nhiệm chính, trực tiếp thuộc về Chủ tịch UBND các xã liên quan…
Ông Nguyễn Đức Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình, thừa nhận việc nhập nhằng quản lý đất sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào địa bàn. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của huyện là chấn chỉnh quản lý đất đai, nhất là tình trạng tranh chấp lấn chiếm. “Trước tình trạng quản lý đất đai trên địa bàn huyện còn vướng mắc, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo rà soát pháp lý khu vực này. Sau khi rà soát, chúng tôi sẽ có báo cáo nhận định chỉ đạo giải quyết pháp lý tại khu vực đất chưa được quy chủ, cũng như đang tranh chấp để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia triển khai dự án, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Liên quan đến tình trạng trên, Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có công văn gửi Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các đơn vị liên quan, yêu cầu tăng cường quản lý đất đai, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm đất có tổ chức. Công văn nêu rõ, tình trạng lấn chiếm đất đai, lấn chiếm đất các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất; lấn chiếm, tái lấn chiếm đất sau khi đã đền bù, giải phóng mặt bằng diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên, đất đai. Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu bí thư cấp ủy các huyện, thị phải chịu trách nhiệm nếu buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai.