Huy động y tế tư nhân tham gia điều trị HIV/AIDS

Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục ưu tiên nguồn lực, xây dựng các chính sách đồng bộ và chỉ đạo triển khai hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Huy động y tế tư nhân tham gia điều trị HIV/AIDS

Ngày 29-11, Bộ Y tế tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS (1-12) với chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030".

11.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại lễ mít tinh

Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, nêu rõ cuộc chiến chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều thách thức. Theo Liên hợp quốc, tính đến hết năm 2023, thế giới có khoảng 39,9 triệu người đang sống chung với HIV, trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khoảng 6,7 triệu người.

Để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục ưu tiên nguồn lực, xây dựng các chính sách đồng bộ và chỉ đạo triển khai hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, tổ chức chính trị- xã hội xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một nội dung trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Đồng thời rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm phù hợp, đồng bộ; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị dịch bệnh HIV/AIDS.

22.jpg
Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự lễ mít tinh

Đối với ngành Y tế cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 cho phòng, chống HIV/AIDS. Tập trung triển khai các giải pháp chuyên môn phòng, chống HIV/AIDS, ưu tiên các cơ sở, địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao.

Đối với những người đang sống chung với HIV cần có cái nhìn tích cực, tư duy mới về việc sống chung với HIV, thúc đẩy quyền lợi và chăm sóc sức khỏe cho bản thân và những người cùng hoàn cảnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, năm 2024, toàn quốc có gần 70.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Năm 2023, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về số người được điều trị PrEP, giúp kiểm soát được 97% người sử dụng tránh được nguy cơ lây nhiễm HIV.

Chương trình tư vấn và xét nghiệm HIV được triển khai từ cơ sở y tế đến cộng đồng với nhiều mô hình đa dạng, hàng năm cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV cho khoảng hơn 2 triệu lượt người, phát hiện khoảng 11.000 trường hợp nhiễm HIV. Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu thế giới về chất lượng điều trị HIV với trên 97% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.

Tin cùng chuyên mục