Trong khi đó, một phụ huynh Trường Tiểu học Đông Vệ 2 (Thanh Hóa) kêu cứu: Mỗi năm lớp 1 cần mua bàn ghế cho 45 cháu, 1 bảng từ, máy chiếu, bàn ghế giáo viên, tổng giá trị khoảng 55 triệu đồng và chia đều cho mỗi phụ huynh, mỗi người đóng 1,3 triệu đồng... Thực tế cho thấy, cứ vào đầu năm học, vấn đề lạm thu lại nóng lên. Ngày 21-8, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GD-ĐT Trần Tú Khánh (ảnh) đã trao đổi về vấn đề này.
Thực tế là có nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt và thực sự muốn cùng nhà trường nâng cao chất lượng dạy - học cho các con. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều phụ huynh khó khăn về kinh tế. Huy động xã hội hóa kiểu cào bằng sẽ gây ra bức xúc cho người nộp, dù tinh thần thu là tự nguyện.
°Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến để rà soát, sửa đổi Thông tư 55 về điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh và thông tư quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Liệu thực trạng trên có được giải quyết không, thưa ông?
° Năm học 2017 - 2018, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các vụ, cục chức năng liên quan rà soát để sửa đổi 2 thông tư, đặc biệt là Thông tư 55 để tránh tình trạng mượn danh nghĩa hội cha mẹ học sinh để thu các khoản thu không đúng quy định.
Thông tư 55 quy định rõ những gì hội cha mẹ học sinh được làm, những gì không được làm. Chẳng hạn, hội cha mẹ học sinh chỉ thu những khoản thu để phục vụ cho hoạt động chứ không thu các khoản quyên góp, tài trợ các việc để chi các chi phí quản lý, xây dựng cơ sở vật chất trong trường học. Hiện nay, bộ đang lấy ý kiến rộng rãi để bổ sung, sửa đổi Thông tư 55. Bên cạnh đó, Thông tư 29 (quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân) cũng sẽ được sửa đổi để giải quyết những vấn đề kêu gọi, cho biếu, tặng, tài trợ...
°Nhưng cũng phải có biện pháp xử lý kiên quyết, đặc biệt với người đứng đầu sở GD-ĐT như thế nào để chấm dứt tình trạng năm nào cũng lạm thu, thưa ông?
°Theo phân cấp quản lý, người đứng đầu cơ sở giáo dục địa phương, đặc biệt là sở GĐ-ĐT phải gánh một phần trách nhiệm. Năm học 2017 - 2018, bộ đã cùng với các địa phương và cơ quan thanh - kiểm tra, xử lý quyết liệt; đã có những trường hợp đau lòng như kỷ luật và khởi tố người đứng đầu trường. Ở đây, trách nhiệm lớn nhất là của người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu. Còn liên quan đến ban đại diện cha mẹ học sinh thì trong Thông tư 55 đã nói rất rõ là ban đại diện cha mẹ học sinh có quyền từ chối những gợi ý, kêu gọi các khoản đóng góp không phù hợp.
°Năm nay, Hà Nội công bố 31 đường dây nóng xử lý lạm thu; nhiều địa phương cũng đã thành lập đường dây nóng và phần nào phát huy hiệu quả. Chúng ta dang hướng tới miễn học phí trung học cơ sở, người dân lo lắng nhiều trường lợi dụng chủ trương đúng đắn này để vẽ ra các khoản thu không hợp lý?
°Để hạn chế lạm thu, hàng năm bộ đều chỉ đạo các địa phương rà soát phát hiện và xử lý kịp thời, tăng cường thanh tra. Chúng ta cũng cần kêu gọi ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh cả nước hiểu đúng về huy động các nguồn thu từ xã hội. Bên cạnh các khoản thu kêu gọi xã hội hóa và tài trợ, nhà trường rất cần sự ủng hộ của hội phụ huynh học sinh, tùy mức độ khả năng của từng gia đình, nhưng tuyệt đối cấm các khoản thu áp đặt, cào bằng. Đặc biệt, nhà trường phải công khai, minh bạch với các khoản thu này. Đây có thể coi như một khoản ngân sách, cần thực hiện đúng theo các quy định của luật, như xây dựng, đấu thầu, mua sắm...