Tại hội thảo kế hoạch triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ GTVT phối hợp tổ chức ngày 26-4 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đã phân tích những hạn chế của mô hình Đối tác công tư (PPP) đối với các dự án đã thực hiện và đề xuất những giải pháp mới nhằm triển khai hiệu quả dự án cao tốc Bắc - Nam, trong đó mục tiêu quan trọng là làm thế nào để thu hút được nguồn vốn quốc tế cho dự án này.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, kế hoạch triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam đang còn nhiều thách thức do Luật Đối tác công tư chưa được ban hành, thị trường tín dụng dài hạn khó khăn, hành lang pháp lý chưa đầy đủ và đồng bộ. Từ năm 1997 đến nay, các dự án giao thông theo hình thức BOT hầu như chỉ do các nhà đầu tư trong nước thực hiện, bên cấp tín dụng cũng chỉ là các ngân hàng thương mại trong nước với quy mô nhỏ. Trong khi đó, dự án cao tốc Bắc - Nam có phần vốn đầu tư cần huy động từ các nhà đầu tư lên tới gần 64.000 tỷ đồng trên tổng vốn hơn 118.000 tỷ đồng, là mức huy động lớn nhất từ trước đến nay, vượt quá năng lực của thị trường vốn trong nước. Hơn nữa, với quy định mới yêu cầu mức vốn chủ sở hữu trên 20% tại Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ, cơ hội tham gia vào dự án này gần như quá khó đối với các nhà thầu trong nước.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, việc kêu gọi đầu tư quốc tế không đơn giản. Năm 2008, với sự giúp đỡ của WB, Bộ GTVT đã triển khai thí điểm kêu gọi vốn nước ngoài cho dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, nhưng vì nhiều lý do, đến nay dự án này vẫn chưa thể triển khai, trong đó lý do chủ yếu là thiếu hành lang pháp lý, cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư chưa thỏa đáng.
Tại hội thảo, ông A.F.Alatabani, Trưởng nhóm tài chính của WB tại Việt Nam nhận định, tài chính nội địa chắc chắn không đủ đáp ứng nhu cầu tài trợ cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam mà phải huy động vốn nước ngoài. Vấn đề đặt ra là các bên liên quan cần phải chuẩn bị dự án tốt, hợp đồng dự án phải tuân theo thông lệ toàn cầu và có các biện pháp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Theo các chuyên gia của WB, thực tế triển khai các dự án PPP, nhất là các dự án BOT tại Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, có thể khiến các nhà đầu tư quốc tế e ngại.
Bà Anna L.Wielogorska, chuyên gia về mua sắm - đấu thầu của WB cho rằng, phần lớn các dự án PPP ở Việt Nam không đấu thầu cạnh tranh mà chỉ định thầu, các dự án đều chưa có chiến lược đấu thầu, một số nhà đầu tư có năng lực kém, một số không hẳn là đối tác tư nhân mà chỉ là doanh nghiệp Nhà nước. Đặc biệt, một số dự án PPP bị phát hiện là thổi phồng chi phí hoặc tính chi phí quá cao cho Nhà nước thông qua phí thu, một số khác không được quản lý tốt dẫn đến chậm trễ hay kém chất lượng. Bên cạnh đó, phải nói đến mối quan ngại của người dân về gian lận và tham nhũng trong các dự án BOT.
Đề xuất những giải pháp hiệu quả để khắc phục những bất cập hiện nay, tạo ra một giai đoạn mới cho đầu tư PPP tại Việt Nam, bắt đầu từ dự án cao tốc Bắc - Nam, các chuyên gia khuyến cáo cần có chương trình quảng bá quốc tế về dự án trước khi phát hành thư mời tham dự sơ tuyển. Bên cạnh đó, chỉ cho đấu thầu với các nhà thầu có đủ điều kiện năng lực, hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp Nhà nước. Đặc biệt, cần xây dựng triển khai kế hoạch chống gian lận và tham nhũng hiệu quả, xây dựng và thực thi quy tắc ứng xử trong mua sắm, đấu thầu, xây dựng và triển khai cơ chế giải quyết khiếu nại, sử dụng thẩm tra hoặc tư vấn bảo đảm liêm chính độc lập trong suốt quá trình triển khai dự án. Các chuyên gia cũng đề xuất những giải pháp quản lý doanh thu nhằm minh bạch, tăng hiệu quả dự án, cảnh báo các hạng mục rủi ro và đề xuất cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, về quản lý, về chính trị, về chênh lệch giá và ngoại tệ…
Thông tin từ hội thảo cho biết, trong 11 dự án đoạn tuyến thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam có 3 dự án đầu tư công là các đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2. Còn lại 8 dự án được đầu tư theo hình thức PPP với tiến độ triển khai dự kiến là hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và sơ tuyển nhà đầu tư ngay trong năm 2018. Sau đó, các dự án sẽ thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công đồng loạt trong năm 2019 và 2020.