Hiện nay, nhu cầu đầu tư cho 7 chương trình đột phá của TPHCM giai đoạn 2016-2020 cần một số vốn rất lớn, ước tính khoảng 850.000 tỷ đồng. Trong đó lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, chống ngập chiếm tỷ lệ khoảng 60%. Tuy nhiên, ngân sách thành phố hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư, đó là một thách thức rất lớn đối với TPHCM trong thời gian tới.
PPP chỉ chiếm 5% tổng dự án đầu tư
Để thu hút thêm nguồn vốn xã hội hóa, TPHCM đã đề ra nhiều giải pháp, cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh, tăng cường thu hút vốn thông qua các hình thức đầu tư như hình thức đối tác công tư (PPP), hình thức đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện TPHCM đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, ngập nước, kẹt xe... Đây không chỉ là trở ngại mà còn là rào cản tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh của TP.
Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, có 23 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 71.127 tỷ đồng. Trong đó, có 17 dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, 3 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, 2 dự án thuộc lĩnh vực môi trường và 1 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội. Hiện, TP đang tiếp tục triển khai thực hiện 130 dự án khác với tổng mức đầu tư dự kiến 395.847 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải, môi trường, chỉnh trang, phát triển đô thị có 93 dự án; lĩnh vực thương mại - dịch vụ 2 dự án; lĩnh vực giáo dục - đào tạo 4 dự án; lĩnh vực y tế 14 dự án; lĩnh vực văn hóa - thể thao 17 dự án.
Đường Võ Văn Kiệt được đầu tư bằng vốn ODA là tuyến đường kiểu mẫu của TPHCM. Ảnh: Huy Anh
Theo thống kê, hiện các dự án thực hiện theo hình thức PPP của TPHCM trong giai đoạn năm 2011-2015 chiếm 5% tổng số dự án đầu tư công của TP. Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị Kết nối nhà đầu tư với ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia các dự án thực hiện 7 chương trình đột phá của TP mới đây, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết mặc dù số lượng các dự án thực hiện theo hình thức PPP của TPHCM không lớn, chỉ chiếm 5% tổng số dự án đầu tư công của TP, nhưng nguồn vốn huy động từ các dự án này gấp 5 lần nguồn lực đầu tư công TP giai đoạn 2011-2015. Đây là một trong những giải pháp phù hợp đối với địa phương có nhu cầu vốn lớn như TPHCM.
Cho vay dự án PPP nhiều rủi ro
Trong tình hình vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, hình thức PPP là xu thế tất yếu. Tuy được kỳ vọng như một trong những phương thức phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế một cách hiệu quả, nhưng hiện hình thức PPP vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư cần đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu khi triển khai thực hiện dự án từ khoảng 15% - 20%; như vậy, nguồn vốn cần huy động từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng ước cần khoảng 80% - 85% tổng vốn đầu tư dự án. Có thể thấy nguồn lực của các dự án đầu tư hiện nay chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, theo đánh giá chung từ phía ngân hàng, tổ chức tín dụng, các tài sản đảm bảo dự án chủ yếu là vốn vay dẫn đến khó định giá, mất thanh khoản, tiềm ẩn rủi ro chuyển thành nợ xấu do dự án chậm tiến độ, khó thu hồi vốn.
Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank, cho biết các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hình thức đầu tư PPP hiện chỉ dừng lại ở mức nghị định của Chính phủ nên hành lang pháp lý về hoạt động này vẫn còn phụ thuộc vào một số luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công và tính ổn định của chính sách không cao. Đây cũng là quan ngại lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng trong nước có quy mô nhỏ, nguồn vốn huy động chủ yếu là vốn ngắn hạn nên khả năng cung cấp tín dụng trung và dài hạn cho các dự án còn hạn chế.
Theo ông Thắng, đối với vốn tín dụng thương mại nước ngoài, qua thực tiễn đàm phán triển khai các dự án PPP hạ tầng lớn, quan trọng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông thời gian qua cho thấy, các tổ chức tín dụng nước ngoài đều yêu cầu có các cơ chế bảo lãnh đặc thù cho các rủi ro về lưu lượng, doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ. “Các dự án PPP có thời gian kéo dài 5 - 10 năm, thậm chí 20 - 30 năm nên sẽ có những khó khăn nhất định về đàm phán và thu xếp vốn”, ông Phạm Mạnh Thắng cho hay.
Ông Thắng cũng cho rằng, hiện đang có sự bất cập trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Thực tế hầu hết các dự án BOT giao thông thời gian qua đều được chỉ định thầu. Trong đó, có 47 dự án Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu, 1 dự án đấu thầu, 1 dự án đấu thầu sau đó chuyển sang hình thức chỉ định, 21 dự án đấu thầu chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký. Việc này đã hạn chế tính cạnh tranh, làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án.
Ngoài ra, năng lực của nhà đầu tư ở một số dự án đã được phê duyệt còn hạn chế như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, chất lượng thi công không đảm bảo... cũng là một trong những rào cản trong thu hút vốn. Từ đó, ông Thắng kiến nghị cần phải hoàn thiện các quy định về PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo sự phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng là hết sức cấp bách. Cùng với đó, TP cần quyết liệt trong việc bố trí nguồn lực tài chính tối thiểu để làm vốn đối ứng cho các dự án PPP. Mục tiêu của PPP là tạo dựng các dự án có hiệu quả cao để có thể thu hút nguồn vốn từ ngân hàng mà không phải bảo lãnh, từ đó giảm thiểu gánh nặng tài chính. Các dự án có quy mô lớn, mang tính đột phá như hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao… cần có vốn góp từ ngân sách để đảm bảo dự án khả thi về mặt tài chính.
Ông Thắng cũng đề xuất cần hướng đến nguồn vốn tín dụng nước ngoài nhằm bù đắp nguồn lực thiếu hụt cho các dự án PPP trong giai đoạn tới. Kinh nghiệm triển khai thành công ở một số nước như Ấn Độ, Indonesia, Philippines… cho thấy, trong giai đoạn sơ khai hình thành thị trường và chỉ số tín nhiệm còn thấp thì đa số nhà cung cấp tài chính đưa ra những yêu cầu bảo lãnh rủi ro về chuyển đổi ngoại tệ, doanh thu... Khi đã phát triển được thị trường ở mức tốt hơn thì có thể từng bước gỡ bỏ những ràng buộc này.
8 dự án đầu tư theo hình thức PPP vừa được hỗ trợ vốn từ các ngân hàng với tổng mức 26.000 tỷ đồng, gồm dự án đầu tư xây dựng đường trục Bắc - Nam, vốn đầu tư 18.000 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng đường Nguyễn Tất Thành, vốn đầu tư 4.669 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng đường song hành phía Nam cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến Vành đai 2), vốn đầu tư 869 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Thể dục Thể thao quận 2, vốn đầu tư 226 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng Khu dịch vụ số 1 - Bệnh viện Nhi đồng 1, vốn đầu tư 800 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Tân Phú, vốn đầu tư 973 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp và vận hành các trạm y tế phường tại quận 3, vốn đầu tư 100 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng
quận 7, vốn đầu tư 99 tỷ đồng.
quận 7, vốn đầu tư 99 tỷ đồng.