Một trong các yêu cầu của kế hoạch là phải huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy; phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn.
Kế hoạch cũng đề ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình thực hiện, trong đó có nhiệm vụ thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về quy hoạch, tổ chức công bố quy hoạch, tuyên truyền phổ biến nội dung quy hoạch, cung cấp thông tin về quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để các tổ chức, nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện quy hoạch, tham gia phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy theo quy hoạch được phê duyệt.
Triển khai thực hiện lưu trữ hồ sơ quy hoạch theo quy định; cung cấp các dữ liệu quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phục vụ xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
Chính phủ cũng yêu cầu báo cáo, đánh giá việc thực hiện quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy định kỳ hàng năm, 5 năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư, quản lý, khai thác, bảo trì hệ thống hạ tầng phòng cháy và chữa cháy.
Bên cạnh đó, hoàn thiện chế độ, chính sách nhằm thu hút nhân lực phục vụ chuyên nghiệp trong lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Hoàn thiện và xây dựng bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về thu hút nguồn vốn, quản lý và sử dụng các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy theo quy hoạch được phê duyệt.