Ngày 22-8, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức tập huấn về phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) cho 90 sinh viên của Đại học Y Hà Nội và Đại học Y tế Công cộng do Bộ Y tế điều động để tăng cường hoạt động phòng chống dịch bệnh SXH trên địa bàn Hà Nội.
Tại buổi tập huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ mong muốn các sinh viên sẽ phát huy sức mạnh của tuổi trẻ, làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm trong công việc được giao.
Các sinh viên sẽ được cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đánh giá trên 3 yếu tố: chuyên cần, ý thức kỷ luật và hiệu quả công việc, sau đó sẽ có báo cáo gửi về trường và Bộ Y tế.
Trong thời gian hoạt động, các sinh viên sẽ được hỗ trợ kinh phí từ Bộ Y tế và hỗ trợ của thành phố Hà Nội theo quy định 100.000 đồng/người/ngày.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, các sinh viên sẽ được chia thành 10 nhóm để hỗ trợ và giám sát việc diệt bọ gậy/lăng quăng tại 10 quận/huyện có số ca mắc SXH cao nhất Hà Nội hiện nay. Mỗi nhóm sinh viên sẽ chia thành các đội, mỗi đội gồm 2 người có nhiệm vụ giám sát 2 tổ xung kích diệt bọ gậy tại địa phương. Các đội sẽ chọn ngẫu nhiên 10 hộ gia đình trong danh sách các hộ gia đình mà 2 đội xung kích địa phương quản lý để kiểm tra số lần đội xung kích đến với hộ gia đình, soi tìm ổ bọ gậy và xử lý.
Kết quả thực hiện của các đội xung kích được đánh giá bằng cách kiểm tra ngẫu nhiên 5-10% hộ gia đình và khu vực phụ trách.
Hàng ngày, các nhóm sinh viên sẽ làm việc với địa phương, tổng hợp kết quả báo cáo gửi về Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và họp với Ban chỉ đạo Phòng chống dịch thành phố 1 tuần/lần.
Để việc giám sát diệt bọ gậy chặt chẽ và hiệu quả, các sinh viên đã được tập huấn về các biện pháp phòng dịch SXH, cách nhận biết muỗi truyền bệnh và nhận diện những nơi bọ gậy có thể sinh sống. Bắt đầu từ ngày mai, 23-8, các đội sinh viên tình nguyện sẽ chính thức ra quân cùng các tổ giám sát, đội xung kích diệt bọ gậy ở 10 quận/huyện trọng điểm trên địa bàn Hà Nội.
Trước đó, để đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh SXH trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thành lập các đội xung kích cùng người dân định kỳ kiểm tra, xử lý các dụng cụ chứa nước, vật dụng có khả năng là ổ bọ gậy/ loăng quoăng.
Mỗi đội gồm 2-3 người là thành viên từ các tổ chức đoàn thể như: thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, dân phòng… phụ trách 30-50 hộ gia đình, khu công trường, cơ quan xí nghiệp, trường học, khu công cộng.
Mỗi đội xung kích có nhiệm vụ là kiểm tra, hướng dẫn và cùng các gia đình, cơ quan, đơn vị xử lý triệt để dụng cụ chứa nước, đồ vật chứa nước có khả năng là ổ bọ gậy, tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân, giám sát phát hiện bệnh nhân nghi SXH tại cộng đồng.
Tuy nhiên thực tế hoạt động của các đội xung kích diệt bọ gậy ở Hà Nội vẫn còn hạn chế.
Theo Sở Y tế Hà Nội, đến nay trên địa bàn Thủ đô đã ghi nhận khoảng 20.000 ca mắc SXH, 7 trường hợp tử vong. Số người mắc SXH ở Hà Nội trong tuần qua đã vượt qua TPHCM, đưa Hà Nội trở thành địa phương đứng đầu cả nước về số người mắc SXH.