Chiều 19-3, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM; đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM chủ trì Hội nghị họp giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM.
Không "gục ngã"
Dẫn trường hợp “gục ngã” xảy ra tại Ý như lời cảnh báo không được phép chủ quan, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu từ nay đến cuối tháng 3-2020, cơ quan chức năng phải nắm được tổng số chuyến bay đưa người Việt Nam từ vùng dịch về TPHCM.
Dự kiến trong 10 ngày tới, mỗi ngày có từ 1.300-1.700 người Việt Nam về TPHCM qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu, các cơ quan, đơn vị lên phương án tiếp nhận lượng người trở về với quy mô khoảng 17.000 người. Việc tính toán phải hết sức cụ thể, tương đối ăn khớp với nhau giữa khả năng chuẩn bị giường ở các khu cách ly tập trung với số lượng người trở về từ các chuyến bay ở các quốc gia có dịch bệnh. “Nếu không chuẩn bị đầy đủ, thì TPHCM sẽ lúng túng ngay”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhắc nhở.
Nếu Bộ Tư lệnh TPHCM không đủ chiến sĩ hỗ trợ chuẩn bị các khu cách ly tập trung thì TPHCM có thể huy động Lực lượng TNXP nhằm đảm bảo tiến độ sẵn sàng của 5 khu cách ly sắp hoạt động.
Hiện nay, Khu cách ly ở Đại học Quốc gia TPHCM với quy mô phục vụ khoảng 20.000 người, Bộ Tư lệnh TP phối hợp với Đại học Quốc gia chuẩn bị bước 1.
Ngoài ra, TPHCM đang chuẩn bị Khu cách ly tập trung tại Bệnh viện 175 (quy mô 300 giường); tại Trung đoàn Gia Định (300 giường), Hội trường Trường Quân sự Quân khu 7 (300 giường), khu cách ly tại quận 7 (250 giường).
Về phương án nhân sự, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm và Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh tính toán chính xác tổng số bác sĩ, y tá, điều dưỡng, đội ngũ phục vụ trên địa bàn TPHCM. Trên cơ sở đó, sẽ xem xét, tính toán huy động sinh viên năm thứ ba, thứ tư ngành y các trường đại học y khoa, mời bác sĩ về hưu để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, huy động đội ngũ bác sĩ quân y của các bệnh viện quân đội, bệnh viện công an; tính toán đến việc huấn luyện, tập huấn phòng, chống dịch cho đội ngũ xe cứu thương.
Chủ tịch UBND TPHCM nhắc lại một số lưu ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phòng, chống dịch Covid-19 vào ngày 16-3 và yêu cầu cần chú ý đến nguy cơ lây nhiễm ở gia đình.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận, huyện, phường, xã, thị trấn cần tuyên truyền và hỗ trợ mạnh đối với các gia đình để phòng chống dịch lây lan khi có các nguy cơ nhiễm bệnh. Đặc biệt, cần phát huy vai trò phường, xã, tổ dân phố, các chung cư trong hỗ trợ người trong gia đình có nguy cơ nhiễm bệnh.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, TPHCM có thể lúng túng trong phòng, chống dịch nếu không tính đến các vấn đề. Vì thế, TPHCM phải tính toán các yếu tố tổng thể về con người, trang thiết bị, cơ sở vật chất và đưa ra phương án ứng phó. Đồng chí yêu cầu, tất cả quận, huyện cũng phải có phương án ứng phó, bởi vì sự lây lan cộng đồng là rất mạnh; chẳng hạn, riêng một nhân viên Điện máy Xanh ở Đà Nẵng đã tiếp xúc với 56 người.
Dự kiến thứ Bảy, ngày 21-3, Chủ tịch UBND TPHCM và các đồng chí trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TPHCM sẽ đi kiểm tra việc ứng phó tình huống ở các quận, huyện. Thậm chí, các phường, xã cũng phải có phương án ứng phó tình huống, nắm chắc tình hình sức khỏe người dân ở từng khu vực dân cư.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở Công thương TPHCM phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM chuẩn bị cung ứng nhu yếu phẩm cho các khu cách ly; chủ động phối hợp chuẩn bị phương án dự phòng lương thực thực phẩm, đảm bảo cung cấp cho người dân TPHCM trong điều kiện dịch bệnh lan rộng.
Sở Giao thông vận tải TPHCM đã phối hợp Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn – TNHH MTV (SAMCO), điều động đội xe 30 chiếc có tài xế, chuẩn bị sẵn sàng vận chuyển người tới các khu cách ly tập trung.
Bộ Tư lệnh TPHCM phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 họp với các Bộ Tư lệnh các địa phương giáp ranh TPHCM để chuẩn bị phương án dự phòng nếu quá tải các khu cách ly tập trung ở TPHCM thì đưa người về cách ly ở các địa phương lân cận.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị khẩn trương có phương án kịp thời đưa người vào các khu cách ly tập trung, giải tỏa sớm những người bay về sân bay Tân Sơn Nhất, không nên để hành khách tập trung đông, thời gian kéo dài ở sân bay. TPHCM đảm bảo nguồn nhân lực, vật lực để thực hiện việc cách ly, điều trị cho người dân ở TPHCM và người nước ngoài trên địa bàn TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện có 5 khách sạn trên địa bàn TPHCM sẵn sàng phối hợp, làm nơi cách ly, có thu phí ưu đãi. Trong đó, có một khách sạn ở gần sân bay Tân Sơn Nhất.
Phương án ứng phó của TPHCM được tính từ nay đến cuối tháng 3-2020. Hàng ngày, TPHCM cập nhật thông tin để có biện pháp ứng phó phù hợp tiếp theo.
Một người Chăm, một phi công Vietnam Airlines dương tính bước đầu
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, tại TPHCM đến nay có 13 trường hợp dương tính Covid-19, số nghi ngờ 177 trường hợp (có triệu chứng, có tiếp xúc gần), trong số này 173 trường hợp đã cho kết quả âm tính. Gần 3.000 trường hợp đang cách ly tập trung. Có 615 trường hợp đang cách ly tại nhà.
Trong số 4 trường hợp nghi ngờ cao nhiễm Covid-19, đã có xét nghiệm dương tính bước đầu, đáng chú ý là một người dân tộc Chăm ngụ quận 8 đã dự thánh lễ 16.000 người ở Malaysia, đi cùng chuyến bay với bệnh nhân số 61 (ở Ninh Thuận). Lực lượng chức năng đã triển khai các biện pháp ở khu vực xung quanh nơi ở của người này, gồm 27 hộ dân, một thánh đường có 280 người đi lễ.
Một trường hợp nữa là một người Anh, phi công của hãng Vietnam Airlines ở một căn hộ phường Thảo Điền, quận 2. Ngày 7-3, người này bay chuyến VN606 từ TPHCM đi Bangkok, ngày 16-3 bay thêm chuyến TPHCM – Hà Nội.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, thời gian tới sẽ đưa các khu cách ly ra 3 cửa ngõ. Khi phát hiện ca mới, cô lập cách ly ngay khu vực, tìm ra những người tiếp xúc cũng rất quan trọng, truy xuất cho hết kể cả những người tiếp xúc xa. TP cũng sẵn sàng các phương án điều trị.
Hiện Bệnh viện dã chiến Củ Chi đã chính thức hoạt động với quy mô 300 giường, đã tiếp nhận 8 bệnh nhân. Bệnh viện Cần Giờ hôm qua cũng đã đưa toàn bộ bệnh nhân về Bệnh viện huyện Nhà Bè để 300 giường ở Cần Giờ hoàn toàn dùng điều trị Covid-19, do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phụ trách chuyên môn.
Thành phố cũng đang chuẩn bị kịch bản 1.000 giường ở Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 ở quận 9. Kịch bản cuối cùng là đưa bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sang nơi khác để dành làm nơi điều trị Covid-19.
Giám đốc Sở Y tế cũng khẳng định hiện nay nhu cầu trang thiết bị y tế được đáp ứng. Vừa qua TPHCM cũng cung cấp trang bị cho lực lượng làm nhiệm vụ ở cảng hàng không quốc tế như an ninh, công an cửa khẩu. Đây là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao, ở Hà Nội cũng đã có người làm việc ở cửa khẩu bị lây nhiễm. Cuối tuần này, TPHCM sẽ có thêm 20 phòng áp lực âm nữa. Các đơn vị làm việc hết công suất để có thêm 20 phòng mỗi tuần, cố gắng đạt khoảng 100 phòng trở lên.
Về các khách sạn được dùng làm nơi cách ly, hiện nay đang tập trung ở các cơ sở ngoại thành, trước tiên là Cần Giờ với công suất khoảng 400 giường. Việc này gặp khó khăn là tập huấn cho nhân viên khách sạn, nhiều người không dám làm dù được trả lương cao. May mắn là việc này quân đội tham gia rất tích cực.