Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 các ngành công nghiệp văn hóa đạt tổng doanh thu trên 53.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 5,7% GRDP và năm 2030 doanh thu khoảng 94.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 7,2% GRDP toàn thành phố.
Với vị thế trung tâm kinh tế - văn hóa hàng đầu Việt Nam, TPHCM có cơ hội lớn để khai thác tiềm năng, định hình một nền công nghiệp văn hóa năng động và bền vững… Thế nhưng, để làm được điều đó, cần những bước đi nền tảng ban đầu - chính là việc hoàn thiện thiết chế văn hóa, chính sách và khung pháp lý để nền công nghiệp văn hóa vận hành một cách chuyên nghiệp.
Theo dự kiến, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, thành phố cần tổng kinh phí trên 14.600 tỷ đồng để đầu tư xây dựng và hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bao gồm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại; hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp như xây dựng không gian sáng tạo; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc trưng của ngành công nghiệp văn hóa; bảo tồn di sản văn hóa…
Các dự án này là thiết chế văn hóa quan trọng, tạo động lực để ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư thực hiện dự án là rất cần thiết.
Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã cho phép thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công-tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi để lĩnh vực này được hưởng các cơ chế được quy định tại Luật Đầu tư đối tác công-tư (PPP).
Thành phố đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa và thể thao thành phố. Hội đồng nhân dân TPHCM cũng đã thông qua danh mục đầu tư 23 dự án, trong đó có 5 dự án ưu tiên đầu tư với tổng vốn trên 2.300 tỷ đồng, 18 dự án giới thiệu để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư với tổng vốn hơn 21.000 tỷ đồng.
Việc triển khai thực hiện theo phương thức PPP trên lĩnh vực văn hóa còn khá mới, có nhiều đặc thù riêng, nên cũng đặt ra không ít thách thức trong quá trình vận hành. Các quy định, dự án theo hình thức đối tác công tư trên lĩnh vực văn hóa ở TPHCM vẫn ở dạng thí điểm; việc ban hành khung pháp lý hướng dẫn một số nội dung của Nghị quyết số 98 của Quốc hội, của các bộ, ngành còn chậm hoặc chưa rõ.
Hiện nay, UBND TPHCM đã ban hành trình tự thực hiện dự án PPP theo các quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhưng các chính sách và quy định chưa đồng bộ giữa các địa phương, các bộ ngành và chưa được điều chỉnh bởi các luật có liên quan.
Do đó, các doanh nghiệp còn e dè, lo ngại về khung khổ pháp lý, cách thức thực hiện và sự đảm bảo về chính sách lâu dài. Nhà đầu tư vẫn băn khoăn về các thủ tục thực hiện dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư PPP qua nhiều bước (tối thiểu 5 giai đoạn), thời gian thực hiện kéo dài và có nhiều rủi ro trong việc phân rõ trách nhiệm, lợi ích…
Ngay như Nghị quyết về hỗ trợ lãi suất 0% đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên của văn hóa được triển khai từ năm 2023, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào được hỗ trợ theo lĩnh vực ưu tiên này.
Đầu tư cho văn hóa thường có quy mô lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài và có nhiều rủi ro. Do đó, để khuyến khích kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, để nền công nghiệp văn hóa thành phố đi vào vận hành bền vững cần tầm nhìn trong thiết kế chính sách hỗ trợ, khung pháp lý, thủ tục thực hiện…
Khó để đong đếm "sức mạnh mềm" của văn hóa bằng lợi nhuận, doanh thu tính bằng con số. Do đó, kỳ vọng mà Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030 của TPHCM đưa ra là một thách thức, đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức liên quan không chỉ có "tâm và tầm", mà phải hoạch định những chính sách cụ thể, hài hòa để huy động nguồn lực cả xã hội cùng tham gia.