Huy động mọi nguồn lực để hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”

Ngày 1-11, Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH-TT-DL, cho biết sau những nỗ lực đàm phán với hãng Millon (có trụ sở tại Pháp) đã thống nhất được thỏa thuận tạm hoãn đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” và có thông cáo chính thức về việc đưa ấn vàng này ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá ngày 31-10. Đây là thành công bước đầu trong lộ trình thực hiện các giải pháp nhằm hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.

Huy động mọi nguồn lực để hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”

Như tin đã đưa, ngày 19-10-2022, website của Hãng đấu giá Millon (thành lập năm 1928, có trụ sở chính tại Paris - Cộng hòa Pháp) đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có hai cổ vật của nhà Nguyễn (1802-1945), gồm một ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841), lô số 101; và một bát vàng triều Khải Định (1917-1925), lô số 100 thuộc sưu tập “Nghệ thuật Việt Nam” vào 11 giờ ngày 31-10-2022 (giờ Paris).

Thông qua các minh chứng thu thập được, xác minh bằng phương pháp chuyên gia dựa trên thông tin, hình ảnh hiện vật đấu giá do Hãng đấu giá Millon công khai trên website của hãng, đối sánh với các cổ vật là ấn vàng triều Nguyễn đang được lưu giữ, phát huy giá trị tại một số bảo tàng, di tích trên cả nước, có thể khẳng định: Chiếc ấn vàng (lô số 101) chính là ấn “Hoàng đế chi bảo” được đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820-1841).

Theo Đại Nam thực lục của Quốc Sử quán triều Nguyễn, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được đúc vào ngày Giáp Thìn, mùng 4 tháng Hai năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15-3-1823): Ấn có nuốm (quai) làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng (chính xác là 280 lạng) 9 đồng 2 phân. Phàm chiếu như sắc dụ đều đóng ấn ấy.

Còn theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, vào năm Minh Mệnh thứ 9 (năm 1828), dụ rằng: Ấn báu của nhà nước là để làm việc tuyên bố mệnh lệnh, chỉ bảo rõ ràng những việc phải làm, về khí cụ thì cực kỳ quan trọng, về điển lệ thì cực kỳ to lớn... Gặp có khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ, cùng là các cáo dụ các thân huân (người thân và người có công), đi tuần thú để xem xét các địa phương, mọi điển lệ long trọng ấy và ban sắc, thư cho ngoại quốc, thì dùng ấn Hoàng đế chi bảo.

Như vậy, có thể thấy “Hoàng đế chi bảo” là ấn vàng lớn nhất, đẹp nhất, quý nhất và quan trọng nhất của vương triều Nguyễn, phản ánh một giai đoạn trong tiến trình lịch sử của quốc gia - dân tộc, là di sản văn hóa quý báu của Nhà nước Việt Nam.

Nhận thức ý nghĩa tầm quan trọng, các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, chính trị của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, bên cạnh sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, Bộ VH-TT-DL, Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan, tổ chức liên quan đã chủ động, khẩn trương tìm kiếm phương án “hồi hương” cổ vật thông qua biện pháp ngoại giao văn hóa, nhằm thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong việc đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trở về với đất nước.

Huy động mọi nguồn lực để hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” ảnh 1 Ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) được đưa ra đấu giá. Ảnh: Millon.com

Theo kinh nghiệm quốc tế, việc kiểm chứng tính xác thực của cổ vật được đấu giá cơ bản dựa trên sự bảo đảm, uy tín của các hãng đấu giá. Trên thực tế, Việt Nam đã nhận một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam “hồi hương” về nước theo 3 hình thức là cá nhân, tổ chức vận động quyên góp mua, hiến tặng; tham gia đấu giá và hiến tặng; và Chính phủ các nước tự nguyện trả cổ vật của Việt Nam thu được từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép cổ vật.

Trong thời gian tới, Bộ VH-TT-DL, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp cùng một số bộ, ngành, tổ chức, cá nhân để huy động mọi nguồn lực, thương lượng với hãng nhằm “hồi hương” ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trong thời gian sớm nhất. 

Tin cùng chuyên mục