Tìm cách giảm chi ngân sách, thí điểm xã hội hóa... là những giải pháp được đề cập nhiều nhất tại cuộc họp ngày 26-10, bàn về tổng thể nguồn vốn cho 7 Chương trình đột phá của TPHCM trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách của thành phố được giữ lại sẽ bị giảm, kinh tế có nhiều khó khăn…
TPHCM cần 44 tỷ USD vốn đầu tư để phát triển hạ tầng giai đoạn 2015-2030. Ảnh minh họa: Việt Dũng
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, 7 Chương trình đột phá là một trong những chương trình lớn mà Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) thông qua. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc xây dựng, phân bổ nguồn vốn cho từng chương trình vẫn chưa cụ thể. Cuộc họp lần này sẽ cùng với các sở ngành bàn về phương pháp làm, chưa chốt số liệu cụ thể, Thường trực UBND TP sẽ bàn tiếp với Thường trực Thành ủy để “chốt” lại trong bối cảnh ngân sách chung khó khăn, ngân sách TP giữ lại để đầu tư phát triển cũng sẽ giảm so với trước đây. TPHCM sẽ báo cáo trung ương xin giữ lại 21% ngân sách so với 18% như ý kiến của Trung ương. Nếu được đồng ý, con số này cũng đã giảm 2% so với hiện nay. Trong năm 2017 nguồn thu ngân sách của TP ước chừng 360.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, cách làm, cách huy động vốn cũng phải thay đổi để huy động sức mạnh nguồn lực của xã hội. Theo tính toán sơ bộ, tổng nguồn vốn cho các chương trình này là hơn 400.000 tỷ đồng, nhưng mới đây Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho biết, để thực hiện 7 Chương trình đột phá nguồn vốn cần khoảng 1.000.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ mới là những con số ước tính ban đầu chứ chưa có gì cụ thể, vì từ việc đóng góp ý kiến từ các sở ngành đến lúc ra con số cuối cùng sẽ có nhiều thay đổi.
Đại diện Sở Tài chính TP lưu ý các sở liên quan đến 7 Chương trình đột phá khi xây dựng danh mục dự án đầu tư cần xác định những dự án đó có tác động phát triển cho cả vùng chứ không chỉ riêng cho TPHCM. Khi đăng ký vốn cần chính xác, vừa qua có một số đơn vị đăng ký vốn nhưng sau đó rà soát lại thì giảm xuống, như Trung tâm chống ngập đăng ký 1.700 tỷ đồng nhưng sau đó giảm xuống còn 1.100 tỷ đồng.
Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, hiện nay sơ bộ cũng đã có các danh mục dự án cần đầu tư nhưng trong tình hình hiện nay, chúng ta phải cân nhắc lại danh mục, hình thức huy động vốn cũng phải thay đổi. Cả nước khó khăn, thành phố cũng khó khăn, nguồn vốn ODA không còn dễ dàng như trước, thời gian vay ngắn, lãi suất cao. Do đó, trong những năm tới cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Thực tế có nhiều dự án bỏ ngân sách ra làm không hiệu quả, nhưng sử dụng vốn tư nhân lại hiệu quả hơn. Thành phố cần lấy 1-2 trường học, bệnh viện thí điểm việc xã hội hóa để giảm chi ngân sách. Ông Hoan dẫn chứng, Bệnh viện Quận 9 “chết lên chết xuống” nhưng cũng muốn xây lại cho to, trong khi đó cửa ngõ phía Đông đã có một số cơ sở y tế công lập. Vậy tại sao không cho thí điểm xã hội hóa cơ sở y tế này? Rồi đẩy mạnh cổ phần hóa, những doanh nghiệp nào nhà nước còn nắm dưới 49% vốn thì cần thoái vốn luôn. “Chúng ta đi từ thấp đến cao, đi từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn để huy động sức mạnh nguồn lực ngoài xã hội”- ông Hoan nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm 2016, do đó các sở ngành liên quan phải quyết liệt, chốt lại cách làm, giao Sở KH- ĐT rà soát để báo cáo cụ thể về nguồn vốn thực hiện các dự án, phương thức huy động vốn. Sở KH-ĐT phải có trách nhiệm báo cáo cho UBND TP về công nghệ khi các dự án được triển khai, không để các công nghệ lạc hậu được đầu tư bởi thành phố đang hướng đến xây dựng “Thành phố thông minh” không lý gì lại đi áp dụng công nghệ lạc hậu… Sở Tài chính được giao tham mưu về nguồn vốn trong và ngoài nước để phục vụ cho các chương trình này. Tất cả những vấn đề vừa nêu phải được chuẩn bị kỹ để Thường trực UBND và Thường trực Thành ủy thống nhất ban hành nghị quyết, trên cơ sở đó chúng ta xây dựng nguồn vốn để ngay trong đầu năm 2017 là triển khai đồng bộ từ cấp thành phố xuống cấp phường xã. Như vậy chỉ còn hơn 3 năm nữa để bắt tay thực hiện các chương trình trọng điểm nói trên. Tuy nhiên, các chương trình này phải tính tới hiệu quả lâu dài, thực hiện xuyên suốt chứ không phải “nhiệm kỳ”.
7 Chương trình đột phá trong nhiệm kỳ 2015 - 2020
- Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
- Chương trình cải cách hành chính.
- Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP.
- Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông.
- Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
- Chương trình giảm ô nhiễm môi trường.
- Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.
ĐỖ TRÀ GIANG