Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế báo cáo, mưa bão tại địa phương đã làm 27 người chết (12 người chết do mưa lũ, 2 công nhân nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, 13 người trong đoàn công tác tại khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67), mất tích 15 người tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3; 13 người bị thương. Hàng chục ngôi nhà sập và hư hỏng; gần 85.000 nhà dân ngập trong nước. Nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại…
Tổng thiệt hai do mưa lũ đến nay khoảng 1.126 tỷ đồng. Hiện các lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục tiếp cận nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 bằng đường thủy để hỗ trợ lương thực và tìm kiếm những người mất tích. Bên cạnh đó, huy động các phương tiện máy móc, trang thiết bị, nhân lực để khẩn trương thông tuyến đường vào thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 để tìm kiếm, cứu nạn trong thời gian sớm nhất, đồng thời đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ.
UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo cứu trợ cho dân vùng bị ảnh hưởng của lũ; 2 tấn lương khô; 10.000 thùng mỳ tôm; 20 tấn hóa chất để phục vụ công tác tiêu độc khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ; hỗ trợ 200 tỷ đồng để khôi phục hạ tầng dân sinh thiết yếu, nhà ở cho nhân dân; hỗ trợ khẩn cấp nguồn vốn ngân sách Trung ương để sớm khắc phục hậu quả thiên tai với kinh phí khoảng 738 tỷ đồng…
Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 cho biết, tại hiện trường, mưa rất lớn nên công tác tìm kiếm kiếm các nạn nhân mất tích còn lại tại thủy điện Rào Trăng 3 rất nhiều khó khăn. Các lực lượng đang tiến hành tiếp cận hiện trường bằng cả đường bộ và đường không. Bộ Quốc phòng đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện để tiếp tục đẩy nhanh tốc độ công tác tìm kiếm cứu nạn các công nhân còn mất tích. Còn theo Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công An cho biết, đã huy động 100% quân số của công an các địa phương, chủ động tổ chức và phối hợp với lực lượng của Bộ Quốc phòng trong công tác tìm kiếm cứu nạn.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Bộ Quốc phòng yêu cầu các quân khu, đơn vị trong toàn quân sẵn sàng huy động, đồng thời chú trọng kiểm tra, bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sĩ, công trình, doanh trại. Tại Thủy điện Rào Trăng 3, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu sẵn sàng lực lượng dự bị để thay thế, bổ sung khi cần thiết. Những ngày tới, khi thời tiết thuận lợi hơn, sẽ huy động cả không quân, máy bay không người lái, các phương tiện hiện đại khác.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với những đau thương, mất mát của gia đình các nạn nhân thiệt mạng do mưa lũ, trong đó có các cán bộ, chỉ huy, chiến sĩ trong quân đội. Những ngày qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, với yêu cầu sớm tìm kiếm nạn nhân, cấp cứu những người mất tích, đưa các nạn nhân về với gia đình. Các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng đã rất trách nhiệm, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Kết quả, đã tìm kiếm được 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ, 2 công nhân thuỷ điện Rào Trăng 3.
“Chưa bao giờ cùng lúc chúng ta mất cùng lúc hai tướng, nhiều sĩ quan cấp cao trong quân đội, lãnh đạo chính quyền địa phương, nhà báo trong thiên tai”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước sẽ luôn ghi nhớ và trân trọng những cống hiến, hy sinh của các đồng chí.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, tình hình mưa lũ còn diễn biến rất phức tạp. Mục tiêu nhanh chóng tìm kiếm người dân mất tích tại thuỷ điện Rào Trăng 3 còn chưa thực hiện được. Trong khi đó, rạng sáng 18-10 đã xảy ra sạt lở đất vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ quân đội tại huyện Hướng Hoá – Quảng Trị. Tình hình rất nghiêm trọng, khẩn trương.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, trước hết phải tập trung để tìm kiếm, cứu nạn những người còn mất tích càng sớm càng tốt. Đây là nhiệm vụ hàng đầu của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt. Phải chủ động ứng phó với các sự cố, thiên tai, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các bộ, ngành cùng với các địa phương huy động nhân lực, phương tiện để tìm kiếm các nạn nhân tại thủy điện Rào Trăng 3 và vụ sạt lở tại huyện Hướng Hoá - Quảng Trị trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, tiếp tục giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các địa phương, đặc biệt các tỉnh miền Trung, tiếp tục rà soát các khu vực nguy hiểm để chủ động sơ tán người dân, công nhân tại các công trình đang thi công. Kịp thời hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men. Bộ Y tế đảm bảo vệ sinh an toàn dịch bệnh tại vùng ngập lụt.
Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương để kiểm tra an toàn hồ đập, vận hành, điều tiết đảm bảo an toàn cho hạ du, đồng thời giữ nước hợp lý cho sản xuất. Bộ TN-TM theo dõi sát sao diễn biến của thiên tai.
Các cơ quan truyền thông tiếp tục đồng hành với công tác phòng chống thiên tai, đưa đến người dân, các cấp chính quyền những thông tin một cách trung thực, chính xác.