Huy động các nguồn lực, tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ

“TPHCM sẽ tập trung rà soát đầu tư hệ thống hạ tầng, huy động tất cả nguồn lực tài chính, nhân lực và các điều kiện khác để có thể phát triển bứt phá về KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong thời gian sắp tới”, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn về công tác triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

- PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, TPHCM đặt mục tiêu gì khi thực hiện Nghị quyết 57, nhất là trong giai đoạn 5 năm tới?

- Đồng chí PHAN VĂN MÃI: Phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là những đột phá quan trọng làm điểm tựa để TPHCM phát triển trong kỷ nguyên mới. Do đó, thành phố bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 57 đã đề ra và có những điểm riêng. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, kinh phí chi cho nghiên cứu, phát triển (R&D) đạt 2% GRDP; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hàng năm cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu phát triển.

W3b.jpg

TPHCM phấn đấu trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của cả nước; tiềm lực về KH-CN và đổi mới sáng tạo thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu. Thành phố cũng đặt chỉ tiêu thuộc nhóm 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh, nhóm 3 tỉnh thành dẫn đầu về chỉ số chính phủ điện tử, chính phủ số; kinh tế số đóng góp khoảng 40% GRDP.

- Từ những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, TPHCM sẽ ưu tiên khơi thông những nguồn lực nào, thưa đồng chí?

- Hiện, UBND TPHCM đang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 57, dự kiến ban hành trong tháng 1 hoặc chậm nhất là trong tháng 2. Chúng tôi sẽ tập trung rà soát đầu tư để có hệ thống hạ tầng phục vụ cho phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đồng bộ hơn, tốt hơn.

Đồng thời, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực quản lý, nguồn nhân lực KH-CN và nguồn nhân lực chung trong doanh nghiệp và trong người dân. Bên cạnh đó, triển khai cơ chế chính sách trên nền đã có của Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội (Nghị quyết 98), dựa trên nền của Nghị quyết 57 đang đặt ra. Đó là huy động tất cả nguồn lực từ tài chính, nhân lực ở bên ngoài quay trở về, có thể là ở bên ngoài nhưng kết nối với thành phố các điều kiện khác để có thể phát triển bứt phá về KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong thời gian tới.

- Để huy động được tổng thể các nguồn lực này, thành phố đã và sẽ có những chính sách gì?

- Các chính sách khuyến khích phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã được TPHCM triển khai trong thời gian qua thông qua Nghị quyết 98 và chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, cập nhật chính sách mới. Ví dụ thành phố có chính sách về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, miễn thuế thu nhập cá nhân cho người làm đổi mới sáng tạo. Tiếp theo là chính sách là thu hút nhân lực KH-CN vào các vị trí với mức lương có thể đến 120 triệu đồng/tháng. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ tiền mặt, chi phí khác cho các hoạt động khởi nghiệp.

Sắp tới, thành phố nghiên cứu có thêm các chính sách hỗ trợ, như doanh nghiệp đầu tư KH-CN để cải thiện chất lượng sản phẩm, nghiên cứu để phát triển sản phẩm mới thì sẽ có chính sách hỗ trợ kinh phí; hỗ trợ ứng dụng dùng chung; đào tạo nhân lực… Hay sắp tới doanh nghiệp đầu tư các phòng R&D, phòng lab (phòng thí nghiệm) vừa phục vụ hoạt động của doanh nghiệp vừa phục vụ hoạt động nghiên cứu, đào tạo thì thành phố cũng sẽ hợp vốn với doanh nghiệp hoặc cho vay kích cầu. Với chính sách về con người, về đào tạo, trong một số lĩnh vực hẹp, nhóm hẹp, thành phố sẽ nghiên cứu chính sách, có thể hỗ trợ học phí hoặc hỗ trợ để đào tạo nâng cao về chuyển đổi số, KH-CN, chi phí đào tạo quốc tế, dự hội thảo quốc tế, tham gia các công trình nghiên cứu quốc tế…

- Chuyển đổi số là nhiệm vụ được TPHCM tập trung nhiều năm qua, để bứt phá hơn trong năm nay, thành phố sẽ tập trung những trụ cột nào?

- Đối với chuyển đổi số, thành phố tập trung cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Các kết quả đạt được thể hiện rất rõ trong từng mảng, chúng tôi cố gắng đến cuối năm 2025 tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến đạt ít nhất 80%. Thành phố đã triển khai ứng dụng Công dân số TPHCM, đây là một kênh tương tác hai chiều giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền.

Chúng tôi cung cấp, hướng dẫn thông tin từ phía chính quyền cho người dân, doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp phản ánh thông tin với chính quyền. Điều đó tạo ra sự tương tác thường xuyên để chính quyền có sự điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển, với ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Thông qua ứng dụng Công dân số TPHCM, người dân cũng có thể thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.

Có thể nói năm 2024 là năm nền tảng, chúng ta đã nỗ lực, giải quyết các vấn đề, tạo ra được những nền tảng, điều kiện để sẵn sàng cho tăng tốc, bứt phá. Còn năm 2025 là năm chung sức, đồng lòng, bứt phá, thành công. Có nghĩa là muốn phát triển kinh tế - xã hội, đột phá về KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thì không chỉ chính quyền, doanh nghiệp hay người dân mà tất cả phải chung sức, đồng lòng với nhau. Phải hành động quyết liệt, phải bứt phá thì chắc chắn chúng ta đạt được kết quả, sẽ thành công trong năm 2025

Đồng chí PHAN VĂN MÃI

Về xã hội số thì hoàn thiện các hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, giới thiệu nhiều ứng dụng cho người dân, doanh nghiệp được thực hiện. Đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, việc làm, an sinh..., chúng tôi sẽ đầu tư để mọi người có thể tiếp cận được y tế thông minh, giáo dục thông minh, việc làm thông minh, an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu hoàn thiện, tích hợp các tiện ích của ứng dụng Công dân số TPHCM để người dân và doanh nghiệp có thể nêu các yêu cầu của mình và thành phố sẽ ghi nhận, giải quyết. Bằng sự tương tác này, tôi tin rằng sẽ đạt được mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Thành phố cũng tập trung rất cao cho phát triển kinh tế số, trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố chuyển đổi số mạnh mẽ.

- Cụ thể, TPHCM sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số như thế nào, thưa đồng chí?

- Chúng tôi xác định những lĩnh vực trọng tâm để đầu tư từ ngân sách, có cơ chế chính sách cho doanh nghiệp, đây cũng là nội dung để thực hiện Nghị quyết 57. Ví dụ như doanh nghiệp, các ngành trong những lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp lớn muốn chuyển đổi số, phát triển KH-CN thì thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ 30%, 50%, thậm chí 100% kinh phí mua sắm trang thiết bị... Thành phố sẽ nghiên cứu hỗ trợ các nền tảng, ứng dụng dùng chung cho doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo nhân lực để chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH-CN tại các doanh nghiệp có bước chuyển trong năm 2025.

Bên cạnh đó, thành phố tập trung chính sách cho nhóm các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp công nghệ thông tin, để từ đây trở thành hạt nhân, lõi của chuyển đổi số. Các doanh nghiệp lớn ứng dụng chuyển đổi số sẽ có tác động lan tỏa. Còn doanh nghiệp công nghệ thông tin tham gia với tư cách là người cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cũng phải đổi mới sáng tạo. Chúng tôi tập trung để không chỉ hoàn thành chỉ tiêu kinh tế số chiếm tỷ trọng 25% GRDP năm 2025 mà còn hướng đến mục tiêu 40% vào năm 2030.

TPHCM hiện có khoảng 2.200 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm 50% của cả nước; hơn 200 quỹ đầu tư mạo hiểm, 53 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; 97 trường đại học, cao đẳng; mỗi năm tại TPHCM diễn ra hơn 500 sự kiện khởi nghiệp, gần 80 cuộc thi khởi nghiệp. Năm 2024, TPHCM xếp hạng 111 trong bảng xếp hạng thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu.

- Theo đồng chí, Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM sẽ đóng góp như thế nào cho thành phố trong huy động nguồn vốn, nhất là vốn cho phát triển KH-CN?

- Hiện thành phố đang khẩn trương phối hợp cùng TP Đà Nẵng và Bộ KH-ĐT chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội thông qua nghị quyết ban hành những cơ chế, chính sách cho trung tâm tài chính. Đó là các chính sách để thu hút nhà đầu tư, các thành phần tham gia vào trung tâm tài chính. Đây chắc chắn sẽ là một nguồn lực rất lớn về mặt tài chính cho nhu cầu đầu tư phát triển của thành phố.

Chúng tôi cũng lên kế hoạch đầu tư về hạ tầng giao thông, kết nối hạ tầng năng lượng, hạ tầng công nghệ thông tin, các hạ tầng cần thiết khác. Chúng tôi có kế hoạch chuyên đề đào tạo nguồn nhân lực và điều kiện khác… Sự đóng góp của trung tâm tài chính trong huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển thành phố là đương nhiên, không phải chỉ TPHCM mà cho cả nước. Tất nhiên ở những giai đoạn khác nhau thì sự hiện diện, tham gia của các tổ chức tài chính còn tùy thuộc vào chúng ta nhanh hay chậm. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá đây là một kênh dẫn vốn rất quan trọng cho nhu cầu vốn của thành phố và cả nước.

Tin cùng chuyên mục