Vốn ngoại dần trở lại
Sau 15 tuần bán ròng liên tiếp, khối ngoại đã bắt đầu có những phiên quay lại mua ròng trên thị trường. Khối này mua mạnh các chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) như Diamond, Finselect, Finlead và mua trở lại những mã cổ phiếu có tính chất cân bằng rủi ro đối với danh mục chứng chỉ quỹ. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành tài chính và tiêu dùng thiết yếu thu hút phần lớn lực cầu ngoại, như VCB, VPB, CTG và VNM. Ngoài ra, các cổ phiếu thuộc lĩnh vực dịch vụ tiện ích cũng được mua ròng mạnh.
Khối ngoại sẽ trở lại vào cuối năm |
Thống kê từ Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, dòng vốn ETF tại Đông Nam Á tăng mạnh trong tuần thứ 3 của tháng 5 (ngày 18 đến ngày 22), ghi nhận ở mức 27 triệu USD, cao nhất trong một tháng vừa qua. Việt Nam là quốc gia đóng góp chính cho sự tăng đột biến của dòng vốn vào Đông Nam Á, ở mức 17 triệu USD. Trong đó, quỹ ETF VFMVN Diamond (vừa mới ra mắt thị trường vào tháng 5-2020) là động lực chủ yếu, khi thu hút 14 triệu USD trong tuần trước.
Cần nới room ngoại
Mặc dù TTCK tháng 5 đã hồi phục tích cực, nhưng muốn đạt mức cân bằng và phát triển bền vững thì vẫn phải chú trọng đến việc thu hút dòng vốn ngoại. Dòng vốn đầu tư trực tiếp FDI vào Việt Nam đã có dấu hiệu bật tăng kể từ tháng 4-2020, bởi Việt Nam được nhận định là “điểm đến” hứa hẹn trong làn sóng dịch chuyển đầu tư sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, với dòng vốn gián tiếp, cần có những giải pháp nhanh và mạnh hơn mới có thể duy trì hiệu quả chu chuyển dòng vốn.
Để có thể giữ chân và thu hút vốn ngoại, các quỹ đầu tư cho biết, nhà đầu tư ngoại kỳ vọng Chính phủ cần nêu rõ thông điệp ưu tiên phát triển TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng các công cụ tài chính, các sản phẩm tài chính tiêu chuẩn, để nguồn lực tài chính chu chuyển nhanh chóng và hiệu quả thông qua các công cụ thị trường. Cùng với đó, cần xây dựng hệ thống thanh toán giao dịch hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian giao dịch. Hiện các tổ chức nước ngoài rất quan tâm đến việc thoái vốn của các doanh nghiệp (DN) nhà nước, đặc biệt là các DN, tập đoàn có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả. Do đó, cần đẩy nhanh bán vốn nhà nước tại các DN mạnh để tạo động lực thu hút sự quan tâm của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Lãnh đạo một công ty quản lý quỹ có vốn đầu tư nước ngoài tại TPHCM cho rằng, Luật Chứng khoán 2019 đã giao quyền quy định về room cho Chính phủ và dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung) cũng có quy định, Chính phủ sẽ hướng dẫn về tỷ lệ đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực trong nền kinh tế. Đã có khá nhiều kiến nghị nên xem xét nới room lên 100% đối với các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không hạn chế nước ngoài sở hữu cổ phần. Riêng lĩnh vực ngân hàng, có thể tăng tỷ lệ này từ mức tối đa 30% như hiện tại lên thêm 5% - 10% room dưới dạng cổ phiếu không có quyền biểu quyết, để thu hút nguồn vốn này.
Hiện nhiều cổ phiếu của các DN có nền tảng cơ bản vững chắc, mức tăng trưởng qua các năm ổn định, luôn là mục tiêu nhắm đến của các quỹ đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài, nhưng đang kín room ngoại. Do đó, TTCK Việt Nam cần hình thành thêm một số sản phẩm mới để khắc phục vấn đề room ngoại trong khi chờ Chính phủ nới room. Ngoài ra, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) là một sản phẩm ưu việt của thị trường Thái Lan, được đưa ra từ năm 2000. Nhà đầu tư có thể chuyển đổi NVDR thành cổ phiếu nếu vẫn còn room nước ngoài. Ở Việt Nam, NVDR đã được đề cập đến trong Luật Chứng khoán (sửa đổi) và đã được bổ sung vào dự thảo Luật DN (sửa đổi), nếu triển khai sớm sẽ gỡ được nút thắt về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên TTCK. Điều này không chỉ thu hút thêm dòng vốn ngoại, mà còn hoàn thiện các tiêu chí nâng hạng thị trường. |