Rục rịch tăng
Mùa kinh doanh cuối năm luôn hút vốn ngân hàng nên các ngân hàng thường tăng lãi suất để huy động tiền nhàn rỗi trong dân nhằm tăng nguồn vốn cho vay. Tuy nhiên, mới bước vào đầu quý 3, các ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất kèm nhiều quà tặng có giá trị để hút nguồn vốn sớm hơn so với mọi năm. Khảo sát thị trường cho thấy, các ngân hàng chủ yếu điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, mức tăng 0,1% - 0,5 %. Lãi suất các kỳ hạn ngắn của một số ngân hàng không có sự thay đổi hoặc tăng nhẹ sau khi đã giảm mạnh trong 2 quý đầu năm.
Từ ngày 6-8, Techcombank áp dụng biểu lãi suất mới theo hướng tiền gửi càng nhiều, kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng cao. Từ ngày 9-8, khách hàng gửi tiết kiệm tại Maritime Bank cũng được hưởng lãi suất lên tới 8,9%/năm. NamA Bank vừa triển khai chương trình quà tặng lên đến 26 tỷ đồng cộng với việc tặng thêm 0,6% lãi suất cho người gửi tiền mới...
Trong tháng 7, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động 0,1% - 0,3%/năm cho các kỳ hạn dài. VPBank tăng thêm 0,2% cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lên mức 7,1%-7,3%/năm, tùy vào mức tiền gửi cho kỳ hạn 12 tháng và 7,2% - 7,4%/năm đối với các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng. ACB cũng tăng lãi suất 0,1% - 0,3% cho các kỳ hạn 18 tháng tùy vào mức tiền gửi, thay vì áp dụng chung 6,9%/năm như trước đó.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại TPHCM lý giải, động thái tăng lãi suất này cũng chỉ là “đến hẹn lại lên” vì tín dụng những quý cuối năm thường có xu hướng tăng cao. Đặc biệt là cho vay ngắn hạn để phục vụ nhu cầu vốn lưu động của DN chứ không liên quan gì đến khó khăn thanh khoản. Vì vậy, ngân hàng này đã tăng lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn để có thêm nguồn vốn phục vụ cho vay cuối năm và cũng để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm xuống mức 40% từ đầu năm 2019 theo quy định của NHNN.
Tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất
Không chỉ lãi suất tiền tiết kiệm mà lãi suất liên ngân hàng cũng tăng mạnh trở lại trong đầu tháng 8 với lãi suất qua đêm gấp đôi so với tuần cuối tháng 7-2018 và gần bằng lãi suất vay trên thị trường mở (OMO) ở mức 4,75%. Cụ thể, từ ngày 6 đến ngày 10-8, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã hụt đi khá nhiều bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút mạnh gần 60.000 tỷ đồng tuần trước đó. Đến ngày 10-8, lãi suất qua đêm tăng 2,28% lên 4,42%. Lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tuần đều tăng gấp 1,9 và 1,7 lần thời điểm một tuần trước đó. Theo tính toán của các công ty phân tích thị trường, NHNN đã trở lại bơm ròng 14.396 tỷ đồng trong tuần nhưng lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh. Về việc này, các chuyên gia tài chính cho rằng, mặc dù lãi suất thời gian qua có tăng so với đầu năm nhưng chưa phải quá cao để tạo thành xu hướng tăng mặt bằng lãi suất và NHNN hiện có đủ công cụ để điều tiết thị trường hợp lý.
Tuy nhiên, một chuyên gia phân tích thị trường của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lại cho rằng, lãi suất VND cả về huy động và cho vay sẽ khó có điều kiện giảm. Với việc tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ, trong đó tín dụng quý 2 có xu hướng chậm lại so với quý 1 với mức tăng chỉ 2,85%, cho thấy chủ trương điều hành tín dụng chặt chẽ của NHNN. Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và NHNN hiện nay vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô và quản trị các cú sốc, đặc biệt trong bối cảnh nhiều yếu tố bất định đang ngày một gia tăng trên thế giới. “Ngoài ra, trước xu hướng tăng nhanh trở lại của lạm phát những tháng gần đây cũng như rủi ro tiếp tục tăng trong 2 quý cuối năm là khá lớn, nhiều khả năng chính sách tiền tệ sẽ được điều hành theo hướng thận trọng hơn. Tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2018 sẽ thấp hơn 1% - 2% so với năm 2017 do đó lãi suất VND cả về huy động và cho vay từ nay đến cuối năm sẽ khó có điều kiện giảm”- vị này đánh giá.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất tại phiên họp Chính phủ gần đây, NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 6-2018, tín dụng tăng gần 6,9% so với cuối năm 2017. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên. Mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ổn định trong bối cảnh sức ép lạm phát lớn hơn nhiều so với năm trước, thậm chí mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,5%, qua đó hỗ trợ cho cộng đồng DN, cho người dân tiếp cận tín dụng với chi phí thấp. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất, chưa đặt ra yêu cầu tăng hoặc giảm lãi suất huy động, cho vay nên các ngân hàng cần chủ động tăng trưởng tín dụng gắn với các chỉ số an toàn vốn.
Tỷ giá USD/VND lập đỉnh mới Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 16-8 biến động mạnh với độ rung lắc cực lớn. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,91 điểm (0,3%) lên 964,28 điểm. Tại sàn Hà Nội, chốt phiên HNX-Index giảm 0,1 điểm (0,1%) xuống 107,92 điểm. Thanh khoản thị trường sụt giảm so với phiên trước, tổng khối lượng giao dịch đạt 216 triệu cổ phiếu, tương đương trị giá 5.000 tỷ đồng. Ngày 16-8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tăng tỷ giá trung tâm thêm 6 đồng/USD lên 22.691 đồng/USD - mức cao nhất từ trước đến nay. Sở Giao dịch NHNN cũng tăng giá bán USD thêm 6 đồng lên 23.322 đồng/USD, cũng đã đánh dấu mức kỷ lục mới. Mặc dù vậy, tỷ giá trong ngày tại các ngân hàng thương mại lại không có nhiều biến động. Trong khi đó, giá USD tự do lại tiếp tục lập đỉnh mới khi giá bán USD lên đến gần 23.700 đồng/USD. Khảo sát các cửa hàng mua bán ngoại tệ tại TPHCM, giá USD đang giao dịch ở mức 23.610 VND/USD mua vào và 23.660 VND/USD. |