Nếu được UBND TP thông qua, dự kiến mô hình sẽ bắt đầu áp dụng từ năm học 2018-2019 tại 2 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa, một số trường tiểu học, THCS và THPT tại quận 1 và quận 12.
Đây là bước chuẩn bị của ngành GD-ĐT trong việc cùng TP thực hiện đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
Trường học thông minh sẽ hoạt động trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông về quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động giáo dục.
Cụ thể, lớp học được xây dựng theo mô hình tương tác trên không gian mạng. Giáo viên được hướng dẫn sử dụng thành thạo bảng tương tác, thường xuyên sử dụng bài giảng điện tử, kho học liệu mở, ứng dụng các phần mềm mô phỏng, phòng thực hành thí nghiệm ảo.
Riêng học sinh sẽ được trang bị máy tính bảng để học tập trong môi trường trực tuyến, sử dụng thành thạo thư viện thông minh, phòng học STEM, được quản lý thông tin đồng bộ từ điểm danh, học bạ cá nhân, đến thông báo kết quả học tập.
Khảo sát nhanh ý kiến của một số lãnh đạo trường THPT tham gia hội thảo, ghi nhận cho thấy hầu hết cho rằng mô hình “Trường học thông minh” nói trên ảnh hưởng tích cực đến người học.
Tuy nhiên, các đại diện vẫn bày tỏ lo ngại về tính khả thi của dự án vì “không biết đào đâu ra đủ kinh phí để trang bị công cụ học tập”.
Phó hiệu trưởng một trường THPT ở quận Bình Thạnh cho biết: “Hiện nay ở hầu hết trường phổ thông đều sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống, những năm gần đây có thêm máy chiếu hỗ trợ bài giảng thêm sinh động. Do đó, khi nhìn thấy bài giảng được minh họa bằng công nghệ thực tế ảo với những bức tranh 3D có thể chuyển động, ngay cả tôi còn thích thú chứ đừng nói đến học sinh. Nhưng vấn đề đặt ra là giá một chiếc mắt kính thực tế ảo hiện nay không hề rẻ, giáo viên dù muốn cũng không thể trang bị cho tất cả học sinh”.
Những lo lắng của giáo viên không phải không có cơ sở, khi cách đây không lâu, Sở GD-ĐT TPHCM lên kế hoạch triển khai rầm rộ Đề án thẻ học đường thông minh (với các tính năng nổi bật như điểm danh, đóng học phí, quản lý chi tiêu của học sinh, đi xe buýt, sử dụng thư viện…), rồi sau đó đề án rơi vào tình trạng “lửng lơ”. Cần thấy rằng, triển khai thẻ tiện ích có thể sẽ dễ dàng hơn nhiều so với dự định xây dựng trường học mang tính “thông minh toàn diện”.
Thêm nữa, thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, sở sẽ ưu tiên chọn các trường đang thực hiện mô hình tiên tiến, hiện đại (với học phí cao) để thí điểm xây dựng trường học thông minh vì sĩ số tại các đơn vị này thường dao động 30 - 35 học sinh/lớp, trang thiết bị dạy học khá đầy đủ, trình độ giáo viên hầu hết đều vượt chuẩn so với quy định.
Vậy có hay không sự chồng chéo giữa các mô hình, đề án cùng thực hiện với mục tiêu đổi mới phương pháp giảng dạy? Giáo viên phải làm sao khi chưa kịp cập nhật đề án đổi mới này đã phải “tiêu hóa” thêm cải cách khác, khiến việc đổi mới ồ ạt như phong trào nhưng thiếu chỉ điểm cần thiết.
Và trên hết, người học sẽ được hưởng lợi ích gì từ những đề án thí điểm dồn dập, thiếu tính tổng kết, kế thừa, thậm chí triển khai xong rồi… quên, như thực tế nhiều năm qua?