Hụt hơi thu thuế thương mại điện tử

Với tốc độ tăng trưởng 25% trong năm 2023, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia có thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh nhất thế giới. Công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực này vì thế cũng đặt ra những yêu cầu cần thay đổi.

Rà soát để truy thu

Qua thu nhập thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Thuế TPHCM đã yêu cầu 7 cá nhân kinh doanh TMĐT giải trình. Kết quả, có một cá nhân có sức ảnh hưởng (KOLs) đã nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương tiền công năm 2022, với tổng số thuế truy thu và tiền chậm nộp là 2,2 tỷ đồng. Đồng thời kê khai thu nhập của người này đến từ các kênh mạng xã hội, với tổng số thuế truy thu và chậm nộp là 36,5 triệu đồng.

S1C (1).jpg
Nhân viên một công ty ở quận 5, TPHCM lên mạng tìm kiếm và đặt mua hàng qua kênh thương mại điện tử. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ở Hà Nội, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay cũng thông báo truy thu thuế 41 cá nhân có thu nhập từ hoạt động TMĐT. Trong đó có một cá nhân đã kê khai tiền thuế và chậm nộp lên tới 8,5 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê của cơ quan thuế, số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT tăng nhanh qua các năm gần đây. Cụ thể, năm 2022 là 83.000 tỷ đồng; năm 2023 là 97.000 tỷ đồng và chỉ 6 tháng đầu năm 2024 đã trên 50.000 tỷ đồng. Mặt khác, Tổng cục Thuế phối hợp Bộ Công thương, Bộ TT-TT và các ngân hàng thương mại thu thập thông tin về 929 sàn giao dịch TMĐT; 284 ứng dụng bán hàng trên mạng; 144 triệu tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân; 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh, truyền hình, làm giàu cơ sở dữ liệu về thuế.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, đến tháng 6-2024, cả nước có 383 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin, tăng 22 sàn so với cuối năm 2023. Mới đây, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành công văn về tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Trong đó yêu cầu cục thuế các tỉnh thành tăng cường tuyên truyền; thanh kiểm tra các tổ chức kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số; tăng cường giám sát tuân thủ đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo trong hoạt động livestream bán hàng. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, thì lập danh sách và phối hợp với các ban, ngành địa phương kiểm tra tại địa bàn để xử lý theo pháp luật thuế và các pháp luật chuyên ngành, hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan công an nếu xác định có hành vi trốn thuế.

Tổng cục Thuế cũng gửi thư ngỏ đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, cung cấp bộ tài liệu hướng dẫn việc đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế và danh sách email của các cơ quan thuế để người nộp thuế chủ động liên hệ khi có vướng mắc. Lãnh đạo Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế ) cho biết, cơ quan thuế đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với người nộp thuế có hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, livestream bán hàng.

S5a.jpg
Đặt hàng qua kênh thương mại điện tử. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Siết chặt quản lý

Theo sách trắng TMĐT năm 2023, số lượng người tiêu dùng Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến tăng khoảng 61 triệu người, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước; ước tính giá trị mua sắm trực tuyến của mỗi người đạt mức 336 USD/năm, tăng trên 16%. Chỉ riêng tại TPHCM, thống kê 6 tháng đầu năm 2024, tổng số tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT là hơn 90.000, trong đó gần 65.000 cá nhân, hộ kinh doanh và hơn 25.000 doanh nghiệp. Mặc dù ngành thuế đã nỗ lực kiểm soát nhưng vấn đề chống gian lận thuế trong hoạt động TMĐT vẫn còn... hụt hơi!

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, vẫn còn không ít trường hợp tổ chức, cá nhân livestream bán hàng chưa tự giác thực hiện nghĩa vụ kê khai, đăng ký, nộp thuế đầy đủ kịp thời. Trong khi theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 nhà bán tham gia. Bên cạnh đó, quy định miễn thuế với hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, logistics xuyên quốc gia được đánh giá là lỗ hổng lớn khiến thất thu thuế. Với sự bùng nổ của các sàn TMĐT, mỗi năm khoảng 2 tỷ đơn hàng, các chuyên gia cho rằng, mỗi đơn hàng chỉ vài ba trăm ngàn đồng, thì số thuế giá trị gia tăng (10%) thất thu là hơn 2 tỷ USD!

Chia sẻ về công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, ngành thuế tập trung vào tuyên truyền việc phải kê khai, đăng ký, nộp thuế. Trường hợp không chấp hành sẽ xử lý theo quy định. Theo ông Mai Sơn, trong các tháng cuối năm 2024, ngành thuế triển khai nhiều biện pháp, trong đó sẽ tăng cường phối hợp các bộ ngành xử lý vi phạm, siết chặt quản lý trên môi trường mạng với các tổ chức, cá nhân không tuân thủ pháp luật về thuế trong hoạt động TMĐT.

Chủ động kê khai, nộp thuế sẽ có lợi hơn

Hiện nay, rất nhiều trường hợp bán hàng online tự phát không đăng ký thuế, không đăng ký kinh doanh phải nộp thuế thu nhập cá nhân từ 5%-35%, tùy mức thu nhập trong năm. Nếu không tuân thủ, khi cơ quan thuế kiểm tra sẽ bị xử phạt, truy thu đủ từ các năm trước. Trong khi đó, nếu đăng ký kinh doanh, nộp thuế theo phương pháp kê khai, thực hiện đầy đủ quy định về hóa đơn, chứng từ, kế toán thì nghĩa vụ thuế phải nộp tính trên doanh thu chỉ là 1,5% (gồm 1% thuế giá trị gia tăng và 0,5% thuế thu nhập cá nhân) với hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa. Với các hoạt động cung cấp dịch vụ khác thì mức thuế là 5%.

Tin cùng chuyên mục