Còn non và xanh…
Từ sau năm 2010, khi tinh thần “suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương” (Think Globally, Act Locally) được thấm nhuần hơn, nhiều quỹ tài trợ từ nước ngoài triển khai các chương trình hỗ trợ các dự án cộng đồng tại Việt Nam. Nhất là những bạn trẻ gen Y, gen Z với thế mạnh về ngoại ngữ và công nghệ, dễ dàng vượt qua các vòng thuyết trình để nhận gói hỗ trợ cho các dự án do mình sáng lập. Có thể kể đến các quỹ hỗ trợ khá nổi bật với nhiều bạn trẻ trong nước như: Quỹ tài trợ từ Hội đồng Anh, Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI), Quỹ học bổng VietSeeds…
Những dự án sống xanh, hoạt động vì cộng đồng, nhất là lĩnh vực tâm lý trong giới trẻ hay các dự án vì nghệ thuật truyền thống… dễ chinh phục các quỹ tài trợ. Bởi đây là các dự án với mục tiêu góp phần cải thiện xã hội và phát huy các giá trị văn hóa nền tảng. Tuy nhiên, các gói tài trợ đều có giới hạn, và sau những mục tiêu đẹp mà các dự án xanh hay vì cộng đồng đặt ra, phần lớn thành viên sáng lập đều loay hoay tìm cách duy trì. Thậm chí, có dự án không quá một năm đành trở thành dĩ vãng, fanpage không cập nhật thêm thông tin mới hay hẹn ngày gặp lại.
Bạn trẻ Trương Nguyễn Luân (23 tuổi, sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM) là người sáng lập một dự án hành động vì biến đổi khí hậu ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, sau gần một năm hoạt động, dự án đành đứt đoạn. Luân chia sẻ: “Hiện tại, quỹ hỗ trợ đã kết thúc, tôi cũng như các thành viên trong dự án phải lo việc học, nội dung hoạt động và tìm nguồn hỗ trợ… Mọi thứ có vẻ hơi quá sức, nên dự án đành tạm ngưng, mặc dù cả nhóm vẫn còn rất nhiều tâm huyết vì môi trường”.
Đành gác lại dự án thu gom rác thải như pin, quần áo cũ… sau gần 2 năm hoạt động, bạn trẻ Thơm Đặng (19 tuổi, Nhà sáng lập Gen Xanh) luyến tiếc: “Hiện tại, cùng với áp lực tâm lý và công việc nên em đành để dự án tạm ngưng, vì không tập trung thì việc điều hành mọi hoạt động của dự án sẽ không hiệu quả. Hoạt động vì môi trường phải làm thật bài bản dù là điều nhỏ nhất, nên em tập trung giải quyết những vấn đề của bản thân trước và trở lại với Gen Xanh trong một ngày gần nhất”.
Hãy chia nhỏ vấn đề
Dành nhiệt huyết tuổi thanh xuân cho những dự án vì môi trường hay hoạt động vì cộng đồng là điều đáng tự hào của người trẻ. Tuy nhiên, mục tiêu đẹp hay giấc mơ lớn cũng không thắng nổi thử thách thực tế trong đường dài.
Cô gái trẻ Võ Nguyễn Minh Thùy (25 tuổi, TP Cần Thơ) tham gia khá nhiều diễn đàn trong khu vực để nói về hoạt động môi trường. Hiện tại, Minh Thùy đảm nhận vai trò tư vấn viên cho Litter Trap, dự án thuộc CLEARRIVERS (một tổ chức phi chính phủ tại Hà Lan). Dự án tìm ra hướng tiếp cận bền vững và hiệu quả đối với rác thải nhựa được thu vớt từ dòng sông Hậu nói riêng và rác thải nhựa của TP Cần Thơ. Minh Thùy kể: “Khi thực hiện các dự án môi trường, điều khiến tôi trăn trở nhất chính là mọi thứ đều có hai mặt của nó, các giải pháp lúc nào cũng sẽ có hai mặt và không có gì là hoàn hảo.
Chẳng hạn như với COZY (dự án nói không với rác thải nhựa), tôi chọn vải cotton để làm sản phẩm thay thế cho nhựa dùng một lần, nhưng tôi cũng biết để làm ra vải cotton thì tạo ra rất nhiều lượng phát thải CO2, nếu để hai loại đó lên bàn cân thì rất khó có thể so sánh. Chính vì vậy, tôi hay nói với các bạn đi sau: dấn thân vào lĩnh vực môi trường thì tốt nhất là chọn một vấn đề mà mình quan tâm nhất để theo đuổi. Chẳng hạn như quan tâm môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa thì dựa theo đó mà ưu tiên cho các giải pháp về hai mảng đó hơn”.
Sau thành công của Green Life, từ một dự án phi lợi nhuận vì môi trường thành lập vào tháng 12-2018 tại Hà Nội đến “Nhà nhiều lá” (quận 10, TPHCM) - tổ hợp chuỗi hoạt động xã hội về văn hóa, giáo dục và môi trường…, Hoàng Quý Bình (sáng lập 2 dự án trên) chia sẻ: “Sự thành công của mỗi dự án tôi nghĩ đều có nỗ lực của bản thân, các thành viên trong nhóm và cái duyên nữa. Làm dự án cộng đồng không thể làm một mình được, vì vậy sự gắn kết giữa các thành viên với nhau rất quan trọng. Và khi bắt đầu những hoạt động về môi trường, tôi tìm hiểu từng lĩnh vực, dù là một việc nhỏ như phân loại rác thải, chúng tôi cũng cập nhật các kiến thức liên quan liên tục và tham khảo nhiều nguồn tài liệu nước ngoài”.
Thành công không có định nghĩa nhất định, trong góc nhìn của mỗi người, giá trị của thành công nằm ở những góc độ khác nhau. Các bạn trẻ đừng tự gánh cho mình những phần việc quá lớn, bởi thành công còn là hướng đi đường dài, giá trị bền vững… chứ không phải hụt hơi sau vài phút huy hoàng.