Thông tin từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), bệnh nhân được người nhà đưa đến cấp cứu vào tối 2-6 sau khi chóng mặt, xây xẩm, ngã đập đầu, đau ngực. Người bệnh có tiền căn hút thuốc lá rất nhiều, khoảng 3 gói/ngày. Kết quả đo điện tim cho thấy đây là trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, biến chứng nhịp chậm, nguy cơ ngưng tim có thể dẫn đến tử vong.
Theo BS Đinh Hoàng Phát, Khoa Nội tim mạch – Lão học, bác sĩ tư vấn cho người nhà 2 phương án cứu sống bệnh nhân: đặt stent mạch vành hoặc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (làm tan cục máu đông), hiệu quả tương đương nhau khi nhập viện vào giờ thứ 3. Tuy nhiên, do không đủ tiền nên gia đình bệnh nhân không thể điều trị, chấp nhận rủi ro xấu nhất.
Trước tình huống này, Giám đốc bệnh viện chỉ đạo ưu tiên cứu người, chi phí tính sau. Được sự đồng ý của người nhà bệnh nhân, một ê-kíp tiến hành đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, ê-kíp khác dùng thuốc tiêu sợi huyết. Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân bị ngưng tim phải sốc điện và may mắn hồi phục, đáp ứng với thuốc tiêu sợi huyết. Hiện, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, tỉnh táo và giao tiếp được.
BS Đinh Hoàng Phát cho biết thời gian vàng để dùng thuốc tiêu sợi huyết cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim là trong 3 giờ đầu khởi phát triệu chứng, được BHYT chi trả một phần. Phần chi phí điều trị còn lại, bệnh viện sẽ nhờ các nhà hảo tâm hỗ trợ.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch. Nhồi máu cơ tim là một trong những biến cố tim mạch có tỷ lệ tử vong cao. Lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá nhiều năm, không kiểm soát các bệnh nền như huyết áp, tiểu đường... là các yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim. Triệu chứng phổ biến của nhồi máu cơ tim là cơn đau ngực ở giữa xương ức và kéo dài trong một vài phút. Trường hợp có biến chứng ngưng tim, tỷ lệ tử vong lên đến 90%.