Hương vị tết xưa

Tôi sinh ra nơi dải đất miền Trung nghèo khó, trong những năm tháng đất nước vẫn còn cơ cực, nghèo nàn. Hai nỗi khó nghèo đó đã cho tôi những trải nghiệm khó quên trong đời. Ngày ấy, cuộc sống còn thiếu thốn đủ bề, bữa ăn chỉ đạm bạc với sắn, với khoai khiến người ta luôn thèm được có những bữa ăn ngon, đặc biệt là rất mong chờ những ngày giỗ, tết, cưới xin. Tôi không may mắn như nhiều người, phải theo mẹ lang bạt khắp nơi để mưu sinh nên Tết đối với tôi luôn là nỗi thèm khát, mong chờ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Người chờ tết nhiều nhất có lẽ là lũ trẻ con chúng tôi. Những ngày học cuối năm, chúng đã nhao nhao bàn tán khoe nhà mình mới có món nọ, mới mua thứ kia. Khi cánh cổng trường làng tạm khép lại dịp cuối năm, lũ trẻ háo hức theo mẹ ra chợ chen lấn trong dòng người đông đúc, được ngắm, được sờ, được chỉ trỏ những món hàng đẹp mắt. Niềm vui lớn nhất có lẽ là được mẹ mua cho quần áo mới bởi chúng quanh năm chỉ biết đến mấy bộ quần áo cũ nhàu nhĩ, nhiều đứa còn mặc đồ của anh chị để lại với vài mảng vá vuông vuông. Đôi dép nhựa mòn sát đất từng được vá đi vá lại mấy lần nay cũng được nghỉ ngơi sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Phiên chợ quê miền đồng bằng ven biển quê tôi thường ngày chỉ túm tụm trong các gian lều nhỏ lụp xụp, ngày tết bỗng dưng nhộn nhịp hẳn lên. Tết là khi ngoài cánh đồng lúa mơn mởn xanh, chợ làng bắt đầu đông dần, kẻ bán người mua ngồi cả ra lề đường, chợ họp sớm hơn và tan cũng muộn hơn, những lều bạt đơn sơ được dựng lên để che chắn cho mớ hàng hóa phía dưới. Hoa quả, nồi niêu, chén bát được bày bán ngay bên vệ đường. Cụ bà quang gánh với mấy nải chuối, mớ rau thơm và nụ cười nhăn nheo vừa được mùa xuân làm cho trẻ lại cũng đon đả mời người mua hàng. Ông lão hàn nồi, vá soong, dán dép bên góc chợ cũng luôn tay với mớ thau, nồi thủng. Phía đầu đường vào chợ vàng rực những màu hoa, ngày ấy chưa có những loại hoa đắt tiền nên chợ quê chỉ ngập tràn những cúc, vạn thọ, đồng tiền và “sang” nhất là hoa lay ơn. Chợ quê bắt đầu đón tết bằng sự hối hả của những người nông dân cùng những gánh dưa hành, củ kiệu nặng vai. Chợ họp sớm hơn để các bạn hàng còn kịp đưa hàng ra thành phố. Hai, ba giờ sáng, các cô các bác làng tôi đã lục tục kẽo kẹt quang gánh í ới gọi nhau, tiếng cười nói rôm rả xua tan cái lạnh cuối đông.

Trong nhà, các anh chị thanh niên có nhiệm vụ dọn dẹp và trang hoàng cho đẹp mắt, tờ lịch cũ sau một năm đã quăn cả góc được thay bằng tờ lịch mới với những hình ảnh quen thuộc của các diễn viên điện ảnh đương thời như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, v.v… đang cười tươi rói. Chiếc bàn gỗ cũng được thay áo mới là tấm nilong chi chít hoa văn sau khi tấm cũ loang lỗ nước chè dù mới năm ngoái thôi nó cũng được trải lên một cách phẳng phiu, mới mẻ. Khi các chị, các mẹ đang lui cui trong bếp với mớ bánh mứt thì các anh, các chú đưa nhau ra phần mộ tổ tiên dọn dẹp sạch sẽ, thắp nhang mời hương linh người đã khuất về đón tết với cháu con.

Mưa xuân vẫn lất phất bay trên từng căn bếp nhỏ. Nơi đó, mọi người đang quây quần để gói bánh tét, lũ trẻ con vẫn không quên vòi vĩnh bố mẹ gói cho mình những chiếc bánh con con để ăn cùng lũ bạn. Mùi tết phảng phất trong mưa, mùi khói nhang trầm ấm áp, các chị ríu rít khoe nhau món mứt dừa, mứt bí mình vừa làm xong. Ngoài giếng khơi, tiếng vịt gà quang quác. Tết của những năm tháng khó khăn là mùi bếp củi nồng đượm, đám cún cỏ, mèo con khoanh tròn trong ổ rơm sưởi ấm, chúng lim dim mắt nhìn chủ mình bận rộn vào ra. Ngoài đường lớn, những chiếc xe khách cũng có vẻ vội vã hơn, nó đưa những người vào tận miền Nam mưu sinh kịp về quê ăn tết với lỉnh kỉnh những túi xách, ba lô. Trong làng, những nhà có người đi làm ăn xa thường có cái tết rủng rỉnh hơn những nhà khác bởi họ dường như mang theo một ít mùa xuân phương Nam về làng.

Cuối cùng, khi đường làng ngõ xóm được quét dọn sạch sẽ, nhà ai cũng ấm áp hương xuân, là lúc sắc xuân vàng rộ trên cành mai trước thềm. Những đôi lứa yêu nhau ríu rít chở nhau trên những chiếc xe đạp còn thơm mùi sơn mới. Mùa xuân làm cho người ta rạo rực, mong chờ.

Chúng tôi lớn dần lên cùng những cái tết. Nền kinh tế đất nước ngày càng vươn mình trỗi dậy, bữa ăn thường ngày đã nhiều món ngon hơn, áo quần ngày càng nhiều và đẹp hơn nên lũ trẻ bớt dần háo hức, thậm chí chúng đã không còn cảm giác trông mong tết nữa. Phiên chợ quê ngày nào giờ đã xuất hiện nhiều thứ mới lạ. Hàng hoa xuân đã xuất hiện nhiều loại hoa cao cấp, đắt tiền bên cạnh những chậu cúc, vạn thọ rực rỡ một thời. Những gia đình khá giả đã không còn bày những chậu hoa cúc trước đây mà thay vào đó là những chậu cảnh đắt tiền. Tờ lịch đã từng được nâng niu giờ thay bằng những bức tranh giá trị. Chiếc bàn gỗ với tấm nilong huyền thoại cũng đã nhường chỗ cho những bộ bàn ghế đắt tiền. Các bà các chị không còn lui cui trong bếp với bánh mứt dưa kiệu mà đã có những hãng bánh kẹo nổi tiếng làm thay.

Ngày tết, người lớn, trẻ con không còn tất bật như trước dù mưa xuân vẫn lất phất bay, dù khói nhang trầm vẫn thơm phảng phất. Dù rằng chợ tết vẫn đông hơn mọi ngày, nhà ga, bến tàu vẫn đông đúc người về quê đón tết, nhưng có lẽ ngày tết chỉ còn trên những cành đào, cành mai và trong đôi mắt mẹ ngóng con mình trở về sau những ngày mưu sinh xa xứ, còn nỗi háo hức, chờ trông dường như đã vơi dần, vơi dần …

LÊ THỊ BÍCH HÀ
Tân Thanh - Lâm Hà - Lâm Đồng

Tin cùng chuyên mục