Trong căn bếp thị thành, bạn tôi loay hoay xắt cà, dưa leo. Cô em gái đang là sinh viên luôn tay đảo chảo mắm ruột cá ngừ xào với thịt ba rọi. Nồi cơm đã bật nút sắp chín. Khắp không gian căn nhà thuê tràn ngập mùi mắm. Cái mùi không biết diễn tả sao cho đúng, nó gắt nồng và cũng một chín một mười nếu so với mùi mắm tôm.
Quen lối xuề xòa, bạn tôi bày luôn chảo mắm lên bàn, rổ cà và dưa leo để kế bên, rồi bới cho mỗi người chén cơm nóng. Miếng cà đầu tiên quẹt mắm rồi bỏ vô miệng đúng là “chu choa nó đã gì đâu” như lời bạn tôi xuýt xoa. Mắm ruột cá ngừ có vị đăng đắng, mằn mặn, nhai kỹ với cơm thì cảm thấy vị đắng tan đi, để lại cái hậu bùi bùi. Lại thêm cà giòn, dưa leo, khiến tôi ăn một mạch hai chén cơm đầy mà vẫn còn thòm thèm.
Từng nếm qua nhiều loại mắm miền Trung nhưng đây là lần đầu tôi thử mắm ruột cá ngừ. Bạn tôi nói mẹ mới gửi mắm sáng nay. Bạn soạn mớ đồ quê, nhìn thấy mừng như trẻ con được quà. Bạn kể ngày trước mỗi khi thèm mắm mẹ thường ra chợ mua ruột cá ngừ về làm, nhưng nay người ta thường cắt ruột theo khoanh cá nên rất khó mua.
Vậy là để có món mắm, mẹ bạn phải lựa con cá tươi cỡ 2 ký, về lấy phần ruột ủ với muối, cho vô hũ rồi đem phơi nắng. Cái nắng miền Trung phơi gì mà chẳng khô nên chưa đầy một tuần, thấy ruột cá chuyển màu sẫm gần như đen, ra nước sệt là đạt chuẩn. Hũ mắm sau đó được gói kín, gửi theo xe khách đường dài vô TPHCM cho hai cô con gái.
Nghe vậy, tôi nhớ lại hình ảnh mẹ bạn trong những lần tôi theo về Quy Nhơn chơi. Người phụ nữ thấp đậm, hay đội nón lá, lúc thì bận gói nem thuê cách nhà 2-3km, lúc tất tả ra đồng làm lúa cho kịp vụ, lúc lật đật đi chợ sớm mua cho được ký cá diếc tươi rói, lúc vội vàng đi rước thằng út học lớp bốn.
Bạn kể, từ bữa cơm hàng ngày tới ngôi nhà che nắng che mưa, hầu như một tay mẹ lo liệu. Bạn tôi là chị hai trong nhà, thương mẹ nên từ hồi vào TPHCM tới giờ cứ cắm cúi làm lụng đặng lo cho hai đứa em đi học, “bồ” cũng chưa có, rồi còn gửi tiền về sắm cho mẹ bộ bàn ghế phòng khách, đổi cái xe máy xịn chút…
Cứ chừng non tháng là mẹ bạn lại gửi vô một túi đồ quê: bánh bèo lá hẹ, gà vườn kho cay, bánh tráng mè đen, rồi chai nước mắm rặt tự ủ. “Hiếm lắm mới có mắm ruột cá vì phơi làm mất công lắm, một con cá chẳng được bao nhiêu ruột đâu”, bạn nói.
Món mắm ruột cá ngừ này ai ăn không quen sẽ nghĩ mắm gì mà đắng nghét, mùi thì nồng xông lên tận óc. Còn tôi sau một lần ăn cứ thèm thèm, nhớ nhớ, mặc cho về tới nhà phải gội đầu ngay vì mùi mắm bám trên tóc tai quần áo. Với những người con miền Trung, nhờ những món ăn gợi lên sự tảo tần ấy mà họ khôn lớn thành người, lập nghiệp nơi xa vẫn không quên nơi chôn nhau cắt rốn.
Tôi cũng bớt dần những thắc mắc tại sao người ngoài đó hay ăn mắm, ăn mặn, hay nhận đồ quê gửi vào dù ở TPHCM ra chợ cũng có. Hoặc nhà ai có sân thượng, có chỗ để mấy chiếc thùng xốp là trồng nào rau húng, hẹ lá nhỏ, lá é… Những thói quen ấy phải chăng để bù đắp cho sự thiếu thốn hương vị quê nhà.
Chợt nhớ, bạn tôi năm rồi không về tết. Chắc bạn nhớ những ngày nắng to theo mẹ ra sân phơi ruột cá và canh chừng lũ mèo lắm!