Ở Mỹ, đa số các tiệm phở đều nấu theo phong cách miền Nam vì phần lớn người Mỹ gốc Việt có nguồn gốc ở miền Nam. Phở nấu theo kiểu miền Nam ngọt hơn miền Bắc vì có nêm đường và cũng kèm nhiều rau xanh với tương các loại. Nhưng cái nôi của phở là từ miền Bắc với phong cách nước dùng không có đường và không có rau xanh, giá hay tương (trừ tương ớt). Đây là cách mà chị Andrea Nguyễn, vốn xuất thân từ gia đình miền Bắc Việt Nam, thích nấu hơn trong nhà hàng của chị. Đó cũng là lý do vì sao nhà hàng của chị mang tên Phở Bắc ở Seattle, bang Washington.
Chị Andrea Nguyễn đến Mỹ sau năm 1975. Lúc đầu chị sinh sống ở bang California sau đó chuyển về Seattle. Chị cho biết ban đầu chị muốn mở tiệm làm móng (nail) nhưng sợ bị cạnh tranh do có rất nhiều tiệm nail ở Seattle nên chị đã quyết định đầu tư mở nhà hàng Phở Bắc vào năm 1989, mặc dù nơi đây tiệm phở cũng không ít. Sở dĩ chị mở tiệm phở vì chị có lợi thế là đã mở tiệm phở tại bang California từ năm 1982.
Theo chị Andrea Nguyễn, một bát phở lý tưởng phải là phở bò với nước dùng ninh từ xương trong 17 giờ kèm theo có thể là thịt nạm, gân, gầu và bò viên. Các loại thịt bò ninh từ nước dùng tự nó cũng đã mang rất nhiều hương vị phở. Nước dùng lý tưởng, theo chị là có màu hơi ngà và một ít béo. Chất béo làm tăng thêm hương vị của phở. Nếu nước dùng quá trong và thịt bò quá nạc thực khách sẽ dễ chán. Nếu ăn thịt bò tái, theo chị, cũng phải kèm tí mỡ vì phải làm sao để khách sau khi ăn hương thơm vẫn còn đọng lại trên môi - “Đó là dấu hiệu của một bát phở ngon”, chị Andrea Nguyễn nói.
Ngoài ra, nếu thêm tương đỏ và tương đen vào bát phở sẽ làm giảm hương vị của món phở. Nếu thích, theo chị, hãy để các loại tương đó trong một chén nhỏ, dùng để chấm.
Phở, mặt khác, được hiểu là một loại thực phẩm có giá trị. Chị Andrea Nguyễn cho rằng nhiều người Việt ở Mỹ chỉ muốn tìm quán phở có bát khổng lồ, giá rẻ mà quên đi chất lượng của món phở. Khi nói đến phở, đó là phải cân bằng giữa số lượng, chất lượng và giá cả. Các nhà hàng phở ngon không hề rẻ như mọi người vẫn hay nói “tiền nào của nấy”.
Đã có lần tờ Seattle Times đặt câu hỏi với chị Andrea Nguyễn là vì sao nhiều người Việt ở Seattle có thể dễ dàng trả 16USD cho một bát mì ramen nhưng khó có thể chấp nhận một bát phở giá 14USD. Chị cho rằng văn hóa ẩm thực của Nhật Bản được xây dựng dựa trên chất lượng và sự khéo léo nên người ta đánh giá rất cao món mì ramen. Trong khi đó, nhiều cửa hàng phở Việt Nam chỉ lo cạnh tranh về số lượng và giá cả mà quên đi chất lượng, từ đó khách người Việt dễ bị căn cứ, đánh giá chạy theo số lượng và giá cả.
Cũng có thể do tâm lý cho rằng thức ăn Việt Nam ở Mỹ luôn luôn rẻ vì các món ăn chính của Mỹ trong nhà hàng thấp nhất cũng khoảng 20USD, trong khi các món như chả giò, bún bò hay phở của Việt Nam giá chỉ từ 9 đến 12USD/món và ở nhiều nhà hàng Việt Nam, phở còn là món rẻ nhất, ăn no nhất.
Theo chị Andrea Nguyễn, điều quan trọng nhất là phải giữ cho được hương vị của bát phở sao cho giống nhất hương vị từ quê nhà, đó cũng là cách bảo tồn nền văn hóa ẩm thực của quê hương nơi xứ người. Gần đây, chị Andrea Nguyễn còn viết sách với tựa đề The Cookbook Pho (tạm dịch Cẩm nang nấu phở, giá 22USD/cuốn).