Ẩm thực xứ mình có lẽ sẽ rất thiếu nếu chỉ có tô phở, món ngon trong nhà hàng, các lễ hội ẩm thực hay bản đồ xếp hạng món ngon toàn cầu mà bỏ quên mất một màu sắc, mùi vị gần gũi, dung dị trên những con đường.
Ẩm thực hè phố là một sự dễ chịu và bình dân hơn bao giờ hết khi nó dung hòa đủ món, đủ vị khắp các vùng miền đất nước và kết nạp cả món Tây, món Tàu biến tấu theo khẩu vị người Việt. Người ta tiếp khách, chiêu đãi nhau thường chọn nhà hàng để thể hiện sự sang trọng và đâu đó có cả những bữa ăn bạc triệu. Nhưng đồ ăn hè phố thì khác, là một hình thức không câu nệ, một cái ghế ngồi, một cái ghế kê làm bàn để tô bún, tô mì, ly trà tắc… Và cứ thế người ta vừa ăn, vừa nói chuyện một cách thân tình, chẳng hề cầu kỳ nguyên liệu, gia vị thượng hạng hay không gian máy lạnh, đèn đuốc sang trọng.
Đồ ăn hè phố không chỉ phục vụ cho những điểm vui chơi trong thành phố, đông người tới lui, mà những gánh, những quán vỉa hè còn chuyên chở những câu chuyện đời.
Người ta đến nhà hàng sang trọng đôi khi phải cân nhắc túi tiền, đặt bàn trước để có vị trí ngồi tốt, phục vụ riêng… Nhưng một gánh xôi vỉa hè, xe hủ tiếu gõ thì chỉ cần cái bụng đói là ghé lại lúc nào cũng được. Hôm nào buôn bán có lời, chạy xe có khách, mối bo thêm chút đỉnh thì chọn xôi mặn nhiều món ăn kèm, tô hủ tiếu thêm khoanh giò; còn tiết kiệm thì chọn xôi ngọt, chắc bụng, no lâu.
Hè phố nhưng cũng có giá của hè phố, món vỉa hè không cầu kỳ gia vị, nguyên liệu nhưng hương vị đôi khi còn nhỉnh hơn vài nhà hàng hạng sang. Vẫn tô hủ tiếu, ổ bánh mì nhưng mỗi người bán là một chút biến tấu khác nhau, từ đó tạo thành nét đặc sắc trong bản đồ ẩm thực đường phố.
Người ta ăn riết từ quen thành ghiền, thèm dĩa cơm tấm phải chọn đúng quán quen, nồi cơm nóng hổi cạnh bếp than đỏ ửng, miếng thịt nướng vàng óng thơm ngào ngạt, hay thèm bánh canh giò heo, ráng đợi đến cữ xế, ghé đường Nguyễn Phi Khanh (quận 1) ăn mới chuẩn vị…
Một trận dịch với chuỗi ngày giãn cách xã hội kéo dài ở thành phố, người ta còn mạnh khỏe để gặp lại nhau đã là điều quý giá. Đường phố trở lại với những gì sôi động vốn có của một đô thị trẻ, nhịp sống hè phố cũng bắt đầu nhộn nhịp trở lại, nhưng góc đường, hè phố đã bớt đi nhiều quán quen, thay vào đó là hàng loạt bảng “cho thuê mặt bằng”.
Những chuỗi nhà hàng hay đồ ăn ngoại quốc với quy mô kinh doanh lớn, họ đủ kinh tế để có thể trụ lại qua dịch, nhưng quán cơm, tiệm mì nho nhỏ bị cuốn theo những ảnh hưởng của đợt giãn cách kéo dài, nhiều tiệm không trụ nổi đành trả mặt bằng. Và đâu đó trên những con đường, gánh hàng rong, xe trái cây, xe bánh tráng của cô Tư, chú Tám cũng vắng mặt. Họ trở về quê hay rẽ sang một công việc khác để mưu sinh cũng không chừng.
Món ăn trước mắt phải no, nhưng cao hơn cả cái no là thuần phong mỹ vị, gói ghém những kết tinh văn hóa dân tộc, để người ta tự hào mang món ăn Việt bước ra thế giới. Đâu đó, món ăn là câu chuyện dung dị của vỉa hè, là nhịp thở của đời sống đường phố, chắt chiu chút vui, chút buồn của những người lao động bình dân. Có lẽ đi tới cùng cũng chỉ cần có thế, một nền ẩm thực đủ món ngon làm nên quốc hồn, quốc túy nhưng cũng không thiếu sự đa dạng của hương vị hè phố để cùng lắng nghe những nhịp đời thân thương.