Tiết kiệm gần 67.000 tỷ đồng
Bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Tổng Giám đốc Công ty Trí Việt, cho biết, trung bình mỗi năm công ty sản xuất và xuất khẩu trên 13 triệu găng tay đi Hoa Kỳ, Nhật và châu Âu. Tổng chi phí điện năng tiêu thụ trên 400 triệu đồng/tháng. Công ty đã đầu tư 100% đèn LED chiếu sáng, lắp đặt máy biến tần tại các dây chuyền máy may, máy cắt, sử dụng hệ thống làm mát từ màn nước,... Nhờ đồng bộ nhiều giải pháp, công ty tiết giảm trên 30% lượng điện tiêu thụ/tháng.
Tương tự, Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa đã đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới, ít tiêu thụ điện năng để thay thế cho các thiết bị thế hệ cũ, lạc hậu. Trong đó, giải pháp thay đổi van lò hơi đã giúp công ty tiết kiệm mỗi năm hơn 700 triệu đồng tiền điện. Hệ thống này đã giúp làm giảm đáng kể thời gian rang xay cà phê trong quy trình sản xuất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm.
Hoạt động tiết kiệm năng lượng ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Điển hình, thông qua chương trình Giờ Trái đất (một sự kiện quốc tế hàng năm), nhiều hoạt động đã được triển khai, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Riêng năm 2022, thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, sau một giờ tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất, cả nước đã tiết kiệm được 309.000 kWh điện (khoảng 576 triệu đồng).
Theo một báo cáo gần đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nếu các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (có 2.961 đơn vị, tiêu thụ hơn 70 tỷ kWh, chiếm hơn 32% tổng mức tiêu thụ điện toàn quốc) tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ, hàng năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh điện (khoảng 2.700 tỷ đồng tiền điện).
Ông Phương Hoàng Kim, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công thương, khẳng định: Cùng với chuyển dịch nguồn năng lượng sử dụng theo hướng xanh hơn, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là một trong những giải pháp quan trọng mà Bộ Công thương triển khai nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2019-2030, với mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 8%-10% trong giai đoạn 2019-2030. Trong giai đoạn 2010-2021, Việt Nam đã tiết kiệm được 37 tỷ kWh điện, tương đương với số tiền 67.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, giúp giảm chi phí điện năng cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao mức độ cạnh tranh của từng doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung…
Hàng ngàn tình nguyện viên, người dân TPHCM đã hào hứng hưởng ứng các hoạt động Chiến dịch Giờ Trái đất |
Nâng cao nhận thức
Theo các chuyên gia, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả phải được xem là quốc sách. PGS-TS Lê Văn Lữ, giảng viên cao cấp, Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, thông tin, hiện nay năng lượng là lĩnh vực phát thải lớn nhất - với 60% lượng phát thải từ sản xuất và sử dụng năng lượng. Tỷ lệ này tăng lên 81% vào năm 2050. Do vậy, để Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, cần phải điều chỉnh một cách tổng thể từ chính sách, công nghệ và hành vi. Đặc biệt, phải phát triển thêm nhiều nguồn năng lượng tái tạo, giảm năng lượng đến từ nhiên liệu hóa thạch, nâng tỷ trọng “điện sạch” vào hệ thống năng lượng chung.
Bộ Công thương đã xây dựng nhiều chính sách thúc đẩy năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Cụ thể, thông qua mạng lưới các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc, Bộ Công thương đã hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng; tư vấn các giải pháp đầu tư thay thế công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng cũng như đào tạo các cán bộ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng cho các doanh nghiệp.
“Thông qua các chương trình, dự án ODA, hợp tác quốc tế, Bộ Công thương cũng giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng, như dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới với quy mô 100 triệu USD; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các cơ chế tài chính mới, như Quỹ Bảo lãnh vốn vay với quy mô 75 triệu USD do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới”, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công thương, chia sẻ.
20 giờ 30 tối nay 25-3, cả nước thực hiện Giờ Trái đất
Chiến dịch Giờ Trái đất do Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF) thực hiện nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh tắt các thiết bị điện nhưng không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ (từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30, giờ địa phương) vào ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm.
Tại Việt Nam, Chiến dịch Giờ Trái đất được WWF triển khai đầu tiên vào năm 2007. Đến năm 2009, Báo Sài Gòn Giải Phóng chính thức chủ trì phối hợp với các tổ chức liên quan tổ chức Chiến dịch Giờ Trái đất. Sau 14 năm tổ chức triển khai chương trình, Giờ Trái đất đã tạo độ lan tỏa mạnh, thu hút sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của hàng triệu lượt tình nguyện viên, người dân trên khắp cả nước tham gia qua 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp.