Phong trào toàn cầu
Giờ Trái đất do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) khởi xướng năm 2007 tại Australia. Năm 2022, Giờ Trái đất đánh dấu 15 năm ra đời và tính đến nay, sáng kiến này đã giúp khởi động một số dự án môi trường, bao gồm việc tạo một công viên biển 3,4 triệu ha ở Argentina, lệnh cấm túi nhựa, túi xốp ở Galapagos và cung cấp 500 đèn năng lượng Mặt trời di động cho nông thôn.
Đây là một phong trào toàn cầu, đoàn kết mọi người cùng hành động vì các cam kết chống lại sự ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Hàng triệu người tham gia Giờ Trái đất mỗi năm, không phân biệt quốc tịch hay tôn giáo, tạo nên một phong trào thực sự của nhân loại vì môi trường.
Mọi người tắt đèn trong một giờ để nâng cao nhận thức về các vấn đề thách thức môi trường, cũng là cách cho thấy những thay đổi nhỏ có thể thúc đẩy sự chuyển đổi trên quy mô toàn cầu như thế nào.
Theo tờ Manila Bulletin, Giờ Trái đất 2022 kêu gọi mọi người phản ánh về cách các môi trường tự nhiên đang bị đe dọa trên hành tinh. Cùng với mục đích khuyến khích mọi người đoàn kết bảo vệ môi trường hành tinh, Giờ Trái đất 2022 còn là lời kêu gọi hành động để mọi cá nhân nhận thức rõ vai trò của mình trong việc định hình một tương lai mới cho con người bằng cách thực hiện từng bước nhỏ để hướng tới xây dựng một lối sống bền vững, thúc giục các chính phủ và doanh nghiệp xây dựng một tương lai công bằng hơn, tích cực hơn với thiên nhiên và không có carbon ròng.
Theo nhiều cách lớn và nhỏ
Theo thông báo của Chính phủ Lào, các tòa nhà mang tính biểu tượng ở Vientiane, gồm tượng đài Patuxay, các bộ, văn phòng chính phủ, tòa nhà Liên hiệp quốc và các tổ chức phi chính phủ, cũng như nhà dân, tắt đèn để thể hiện hành động dù đơn giản nhưng có thể tác động lớn đến việc tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Lào muốn nhân cơ hội này nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề môi trường.
Trong khi đó, tại Philippines, Giờ Trái đất 2022 nhấn mạnh tính quyết định đối với các cuộc bầu cử quốc gia sắp tới. Người Philippines phải lựa chọn những nhà lãnh đạo sẽ tích cực ứng phó với thách thức kép của biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Theo tờ Lifestyle News, chương trình “Định hình tương lai của chúng ta”, do Quỹ toàn cầu về thiên nhiên tại Philippines (WWF-PH) điều phối, tổ chức một cuộc thảo luận trực tuyến từ 19 giờ 30 đến 20 giờ 30 để bàn về các vấn đề môi trường mà các nhà lãnh đạo tiếp theo của đất nước cần tập trung vào.
Theo các tổ chức hoạt động môi trường hàng đầu ở Philippines, “đã đến lúc chúng ta tự giáo dục bản thân và người dân về các vấn đề môi trường mà chúng ta phải đối mặt, nhất là giờ đây, khi chúng ta sắp bầu ra những nhà lãnh đạo mới, những người sẽ dẫn dắt chúng ta trong 6 năm tới.
Làm sao để phong trào môi trường trở thành một nền tảng để khuyến khích và huy động hành động tập thể vì môi trường bằng cách giáo dục và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhà lãnh đạo chính phủ, hành động vì thiên nhiên và khí hậu”.