Từ năm 2020, theo quy định của Liên hiệp quốc (LHQ), khoảng 800 công ty lớn trên toàn cầu sẽ phải khai báo tình trạng chất thải CO2 nằm trong mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Tuy nhiên, đến nay, tiêu chí cụ thể để đánh giá các công ty này có gây ô nhiễm hay không vẫn chưa có ngoài Mục tiêu dựa trên khoa học (SBTi), nhằm đánh giá độc lập các mục tiêu giảm phát thải của công ty. Stephane Andre, một nhà quản lý công ty đầu tư Alphinity Investments có trụ sở tại Sydney, Australia, cho biết khó có phương cách kỹ thuật hoàn hảo nào để có thể đánh giá chính xác lượng khí thải của các công ty.
Mặc dù vậy, các công ty và các định chế tài chính thế giới cũng bắt đầu đưa ra tiêu chuẩn về khí thải. Công ty khai thác titan BHP Billiton (BHP.AX) đã gây ngạc nhiên cho thị trường trong năm nay khi công bố kế hoạch cắt giảm lượng khí thải carbon không chỉ tại các cơ sở của mình mà còn cho cả khách hàng của mình. Các ngân hàng lớn đã bắt đầu tiết lộ mức khí thải carbon trong kế hoạch cho vay sạch với các khách hàng, trong khi các công ty bảo hiểm bao gồm Chubb và Suncorp đã không còn tham gia bảo hiểm cho các dự án khai thác than mới. Woolworths của Australia đã trở thành chuỗi siêu thị đầu tiên trên thế giới phát hành trái phiếu khí hậu được chứng nhận trong năm nay. Nestlé, nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất thế giới, sẽ đặt mục tiêu loại bỏ khí thải nhà kính trong chuỗi cung ứng toàn cầu khổng lồ vào năm 2050, công ty cho biết hôm 11-9, trong một thông báo trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh về hành động khí hậu của LHQ vào cuối tháng này.
28 công ty có tổng vốn hóa thị trường là 1,3 ngàn tỷ USD đang đẩy mạnh để thiết lập mục tiêu đầy tham vọng về khí thải mới đáp ứng lời kêu gọi về hành động khí hậu của LHQ. Các công ty đã cam kết thực hiện các mục tiêu phù hợp với việc hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,50C so với mức trước thời kỳ công nghiệp và đạt mức phát thải bằng không vào cuối năm 2050. Trong số này các công ty BT, Hewlett Packard Enterprise, Levi Strauss & Co. và SAP đã có các mục tiêu giảm 1,50C phù hợp với khí thải nhà kính từ hoạt động của họ. Lise Kingo, Giám đốc điều hành của Hiệp ước Toàn cầu LHQ (UN Global Compact - có nhiệm vụ khuyến khích doanh nghiệp toàn cầu phát triển bền vững và có trách nhiệm xã hội) cho rằng các công ty hàng đầu đã chứng minh rằng, các mục tiêu khí hậu tuân thủ 1,50C là có thể, và ông khuyến khích tất cả các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội này để đi đầu trong phong trào này và đóng góp vào việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ.
Theo Đại sứ Luis Alfonso de Alba, Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu, Tổng Thư ký LHQ đã kêu gọi các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu vào ngày 23-9 tới với các kế hoạch rõ ràng về việc cắt giảm khí thải. Một điều rất đáng khích lệ khi cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu hành động để giúp giải quyết tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu. Xây dựng một nền kinh tế không có khí thải CO2 vào năm 2050 đòi hỏi cả sự tham gia của khối kinh doanh và các chính sách đầy tham vọng của các chính phủ. Bằng cách thiết lập các chính sách theo sát mục tiêu giảm 1,50C nhiệt độ toàn cầu, các chính phủ có thể mang lại cho doanh nghiệp sự rõ ràng và tự tin để đầu tư vào nền kinh tế không carbon trong tương lai.