Hướng tới xuất khẩu đạt mốc 1.000 tỷ USD - Bài 4: Nỗ lực tháo rào cản

Mục tiêu đưa kim ngạch xuất nhập khẩu lên 1.000 tỷ USD trong năm 2025 đòi hỏi nỗ lực cực kỳ lớn của doanh nghiệp cũng như của Chính phủ và các địa phương. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng công cụ chính sách hiệu quả, tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Hạ tầng đồng bộ, thông thoáng

Theo ông Ngô Ngọc Khánh, Hiệp hội Logistics Việt Nam, bãi kiểm hóa tại cảng Tân Cảng - Cát Lái (TPHCM) chật hẹp, chỉ kiểm được khoảng 25 container/ngày, trong khi lượng container đổ về đây không dưới 10.000 TEU/ngày (tương đương khoảng 700 container 40 feet/ngày).

Do vậy, khâu thông quan chiếm rất nhiều thời gian, thậm chí làm ách tắc quá trình xuất nhập khẩu của doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản phản ánh, khi kiểm tra hàng hóa ngoài trời sẽ không đảm bảo được chất lượng và vấn đề này không chỉ ở cảng Cát Lái. Thậm chí, tại nhiều chi cục hải quan không có địa điểm kiểm tra tập trung…

Trao đổi về những nội dung này với các DN tại buổi đối thoại mới đây, ông Vương Tuấn Nam, Trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TPHCM, cho biết, cảng Cát Lái giải quyết cho hơn 90% hàng hóa khu vực phía Nam. Tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra thực tế trung bình ở các cảng là 3,5%-4,3%, còn ở Cát Lái tỷ lệ này cao hơn do đa phần là hàng kinh doanh.

Z5a.jpg
Doanh nghiệp kê khai hồ sơ thông quan tại cảng Cát Lái. Ảnh: Hoàng Hùng

Những bất cập mà DN phản ánh, theo ông Vương Tuấn Nam, không phải vấn đề riêng của ngành hải quan, mà còn là tầm nhìn từ khi quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Hạ tầng yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cũng là vấn đề nhức nhối với DN, nhất là DN chuyên xuất nhập khẩu.

Ông Trần Anh Đức, đại diện nhóm công tác đầu tư và thương mại, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, băn khoăn: Hạ tầng cảng biển, kho bãi còn rất nhiều hạn chế, chi phí logistics rất cao. Theo các thống kê, chi phí DN xuất khẩu phải trả cho dịch vụ logistics ở Việt Nam (vận tải, lưu kho bãi, thủ tục giấy tờ…), đang ở mức cao hơn thế giới, chiếm tới 25% GDP. Trong đó, chi phí vận tải chiếm tới 30%-40% giá thành sản phẩm, trong khi thế giới chỉ 10%-12%.

“TPHCM là trung tâm kinh tế của phía Nam cũng như cả nước, nhưng kết cấu hạ tầng rất kém, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đường vào cảng Cát Lái thường xuyên kẹt xe, đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây cũng vậy. TPHCM cũng chưa có trung tâm logistics nào lớn. Đầu tư cho logistics sẽ giúp nâng cao giá trị các sản phẩm xuất khẩu trong nước, nhất là hàng nông sản, sẽ cạnh tranh tốt hơn”, ông Trần Anh Đức thông tin.

Phá rào cản về thủ tục

Theo nhiều DN, kiểm tra chuyên ngành là rào cản khá lớn đối với hàng hóa xuất khẩu. Cụ thể, số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, thậm chí một mặt hàng phải chịu kiểm tra chuyên ngành nhiều nội dung khác nhau. Mặt khác, chưa có danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành được cụ thể hóa, có mã số cụ thể. Kiểm tra chuyên ngành nhưng cũng chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, từ đó gây vướng mắc cho cơ quan thực hiện.

Bên cạnh đó là nhiều văn bản chồng chéo về kiểm tra chuyên ngành, trình tự thủ tục cũng rất phức tạp…

Cụ thể, Thông tư 15 của Bộ Y tế về danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm và dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đã được xác định mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam... vừa ban hành quy định nhiều mặt hàng trong lĩnh vực y tế không còn phải kiểm tra chuyên ngành. Thế nhưng, một số DN khi làm việc với chi cục hải quan thì bị yêu cầu phải có xác nhận của ngành y tế là hàng hóa thuộc đối tượng không kiểm tra thì mới cho thông quan!

Sự “lệch pha” giữa các cơ quan thực thi pháp luật cũng khiến DN gặp khó khăn. Công ty Viễn Đạt (TPHCM) cho biết, có những thủ tục mà công ty đã phải nhiều lần kết nối các cơ quan nhà nước với nhau để giải quyết, vì mỗi cơ quan có một cách hiểu và áp dụng quy định khác nhau. Mỗi lần như thế, hàng hóa bị ách lại 10-20 ngày mới được thông quan.

Hay như Công ty TNHH America Indochina Management Vietnam gặp tình huống khó khi cơ quan hải quan xác định HS code (mã số phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu) không cập nhật theo quy định của Tổ chức Hải quan thế giới.

Công tác hoàn thuế cho hoạt động xuất khẩu cũng gặp nhiều vướng mắc không kém. Công ty TNHH Thép Vina Kyoei là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sắt, thép, gang. Công ty đã nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT đầu vào đối với hoạt động xuất khẩu cho kỳ từ tháng 12-2021 đến tháng 11-2022 đến Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 1-2023, sau đó đã được Cục Thuế kiểm tra trước hoàn thuế.

Tuy nhiên, sau gần một năm rưỡi, đoàn kiểm tra mới gửi biên bản kiểm tra cho công ty, trong đó kết luận: Công ty không đủ điều kiện hoàn thuế cho toàn bộ số thuế VAT với số tiền trên 88 tỷ đồng. Đoàn kiểm tra căn cứ vào việc công ty có mua hàng của 8 nhà cung cấp thuộc các trường hợp rủi ro cao về thuế và hóa đơn để từ chối hoàn thuế, mặc dù phía công ty khẳng định đã cung cấp đầy đủ tài liệu để chứng minh các giao dịch của công ty với các nhà cung cấp này là có thật và thực tế diễn ra…

Thời gian qua, nhiều DN cũng “kêu” khi không được giải quyết hoàn thuế kịp thời, gây khó khăn về dòng tiền hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc cơ quan thuế thận trọng trong việc xác minh quá trình mua bán hàng hóa của DN. Đặc biệt, các DN như xuất khẩu tinh bột sắn bị vướng khi xác minh nhà cung cấp. Điển hình như Công ty CP Fococev Việt Nam, có 529 tỷ đồng tiền thuế chưa hoàn trong 6 năm, dù cơ quan công an chưa tìm ra dấu hiệu hoàn thuế khống…

Doanh nghiệp xuất khẩu gốm sứ như Saigon PTS lại “tắc” hoàn thuế vì phải chờ xác minh tỷ trọng khoáng sản. Để được hoàn thuế, cơ quan thuế yêu cầu chờ xác minh tỷ lệ khoáng sản 51%. Trong khi để xác minh được tỷ lệ này thì phải chờ 20 nhà cung cấp thực hiện quyết toán thuế nên DN không biết phải chờ đến khi nào!

Bàn về vai trò của thể chế, pháp lý trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, lãnh đạo Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhấn mạnh, đây là yếu tố quan trọng hàng đầu. Thực tế cho thấy, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vẫn còn vướng mắc liên quan đến pháp lý, thủ tục. Trong khi đó, theo TS Nguyễn Hải Minh (Ban Kinh tế Trung ương), trong một số trường hợp, hệ thống pháp luật, chính sách chưa thực sự hỗ trợ, nuôi dưỡng nguồn thu, tạo thuận lợi cho DN lớn mạnh.

Góp ý về giải pháp, TS Nguyễn Hải Minh cho rằng, thể chế kinh tế thị trường mà Việt Nam phát triển cần đảm bảo cho DN nếu bị thất bại là do quy luật thị trường (cạnh tranh) chứ không phải do thể chế gây ra. Đồng thời để công chức nhà nước có không gian pháp lý để hỗ trợ DN chứ không cần phải dám làm, chấp nhận rủi ro pháp lý mới có thể hỗ trợ được DN.

Tin cùng chuyên mục