Những thị trường xuất khẩu “vàng”
Cuối năm 2024 là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu bận rộn với đơn hàng của năm cũ và chuẩn bị cho năm mới. Bà Nguyễn Vân, phụ trách kênh bán hàng quốc tế (Công ty HUCAFOOD), chia sẻ, sau khi nghiên cứu và nắm bắt thị hiếu tiêu dùng của người dân Hàn Quốc và Trung Quốc, công ty đã đưa ra dòng sản phẩm cà phê hòa tan vị sầu riêng và vị dừa. Trải qua 7 năm kiên trì tiếp cận thị trường, đến nay trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 30 container nhóm sản phẩm này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh, lại nhắm đến đích mới - thị trường Halal (bao gồm thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm và nhiều sản phẩm khác mà người tiêu dùng Hồi giáo có thể sử dụng nhưng không vi phạm các quy tắc tôn giáo), với quy mô dự báo đạt hơn 10.000 tỷ USD trước năm 2028.
Hiện nhu cầu sản phẩm Halal gia tăng mạnh không chỉ ở thị trường người tiêu dùng Hồi giáo, mà còn ở những thị trường phi Hồi giáo. Trong đó, có sự hiện diện của những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu… bởi tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và thị hiếu ưa chuộng sử dụng sản phẩm “xanh”, thân thiện môi trường.
Chỉ tính riêng tại Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương - khu vực có vị trí địa lý gần với Việt Nam, số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người (chiếm 66% tổng số người Hồi giáo trên thế giới). Mức tiêu thụ thực phẩm Halal ước khoảng 500 tỷ USD, trong đó Đông Nam Á là gần 240 tỷ USD, Nam Á và Nam Thái Bình Dương là hơn 250 tỷ USD. “Săn” thị trường xuất khẩu “vàng” này đang là mục tiêu mà doanh nghiệp Việt Nam hướng tới.
Đại diện Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) chia sẻ, Halal là nhóm thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và chiếm tỷ trọng cao. Do đó, Vinamilk đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như thiết kế lại bao bì, hương vị, các chương trình xúc tiến giao thương, quảng bá… để tiếp cận sâu hơn.
Nhìn nhận về tiềm năng thị trường xuất khẩu năm 2025, các doanh nghiệp cho biết, Việt Nam tiếp tục tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN và thị trường chung Halal. Ngoài ra, tại một số thị trường khác tuy thị phần xuất khẩu hàng Việt chưa nhiều nhưng sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng dương.
“Điều này hoàn toàn có thể tự tin, bởi vì xuất phát từ thực tế mà doanh nghiệp đã và đang đạt được trong năm 2024”, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, khẳng định.
Đơn cử với thị trường Hoa Kỳ, trong 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận ước đạt 100 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Dựa trên đà tăng trưởng này, dự báo kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong năm 2025 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và duy trì mức 2 con số trở lên. Các yếu tố hỗ trợ bao gồm nhu cầu tiêu dùng tăng cao đối với các mặt hàng như đồ gỗ, thủy sản và dệt may, cùng với việc Việt Nam duy trì vị thế là đối tác thương mại quan trọng của Hoa Kỳ.
Còn thị trường Trung Quốc, trong 11 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 55,98 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, mặt hàng rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 3,4 tỷ USD, tăng 2,6 lần (tương đương 2,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, việc các Nghị định thư đã ký kết, các mặt hàng trái cây Việt Nam đã lên sàn thương mại điện tử Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Từ thực tế này, dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2025 sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, tăng 42,7% vào năm 2025. Riêng thị trường ASEAN duy trì đà tăng trưởng bình quân 17,1%.
“May - đo” cho từng thị trường
Nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, việc áp dụng chiến lược “may - đo” ở từng nhóm thị trường, nhất là những thị trường có bản sắc, văn hóa đặc trưng, sẽ giúp thương hiệu chinh phục được nhiều khách hàng hơn. Đại diện Vinamilk cho biết, nếu muốn gia nhập thị trường Halal thì chứng nhận Halal là “vé khởi hành” đầu tiên của chặng đường chinh phục người tiêu dùng ở khu vực này.
“Các tiêu chuẩn và quy định Halal đang ngày càng nghiêm ngặt. Chứng nhận Halal không có giá trị vĩnh viễn và tùy thị trường sẽ có thêm những tiêu chuẩn riêng, là thách thức mà doanh nghiệp phải vượt qua nếu muốn gia nhập sân chơi lớn này. Hiện mỗi năm, nước ta có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm. Nếu được tận dụng tốt, ngày càng có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal”, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM, khẳng định.
Còn với những thị trường xuất khẩu chủ lực khác, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt nhiều rào cản tiêu chuẩn chất lượng cao. Đơn cử, Hoa Kỳ sẽ áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm và môi trường. Đặc biệt, ngành thủy sản, đồ gỗ và hàng dệt may phải tuân thủ các quy định khắt khe như Đạo luật Lacey Act (đối với gỗ) và tiêu chuẩn kiểm tra sản phẩm nhập khẩu.
Các biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, cũng là những nỗi lo thường trực mà doanh nghiệp sẽ phải lưu tâm.
Hay như Trung Quốc, nước này ngày càng thắt chặt các quy định về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, bao gồm kiểm dịch động thực vật và yêu cầu nhãn mác. Các doanh nghiệp Việt còn phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp nội địa và các quốc gia xuất khẩu khác, đặc biệt trong các ngành như nông sản, thủy sản và điện tử.
Riêng với thị trường EU thì các quy định nghiêm ngặt về môi trường, lao động và an toàn thực phẩm…, đòi hỏi sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng nguồn gốc nội khối hoặc có giá trị gia tăng cao, tính bền vững, trách nhiệm xã hội và phát triển xanh… Đây sẽ là những áp lực lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Riêng với các thị trường mới, nhất là những thị trường khu vực châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ, ngoài những yếu tố trên, doanh nghiệp còn phải đối mặt với những rủi ro tài chính và chính trị. Những yếu tố khác như chi phí logistics tăng cao, sức mua thị trường toàn cầu giảm, các yêu cầu về phát triển bền vững ngày càng phổ biến…, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.
“Đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một số thị trường nhất định bằng cách mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác, như châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ. Quan trọng hơn, cần tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do. Trong đó, hiểu rõ và áp dụng đúng các cam kết trong các FTA để hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan và tiếp cận thị trường thuận lợi hơn”, ông Phạm Bình An nhận xét.
“Việc nhận diện rõ các thị trường tiềm năng cùng những thách thức và cơ hội sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược xuất khẩu hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong năm 2025. Do vậy, về phía doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ và quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, phát biểu.